(MPI) – Chiều ngày 26/5/2021, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2021, Chính phủ yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
Tại Thông báo số 88/TB-VPCP ngày 30/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trên cả nước đã góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các dự án đầu tư ở địa phương cho thấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số dự án đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được triển khai thực hiện hoặc thực hiện không đúng tiến độ đăng ký, trong đó có không ít dự án bị chậm tiến độ hàng chục năm, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện và bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng này đã và đang trở thành điểm nghẽn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời làm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung cũng như hiệu quả thu hút đầu tư của các địa phương nói riêng. Do vậy, việc tổ chức rà soát, xác định các dự án thực hiện không hiệu quả, chậm tiến độ, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án này thực hiện có hiệu quả là cần thiết, cấp bách nhằm xóa bỏ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã có những ý kiến, đề xuất kế hoạch hoạt động của Tổ công tác, đề xuất phương án xử lý những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan./.
Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư