(MPI) – Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra ngày 03/6/2021, theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo gửi Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Theo Báo cáo, trên cơ sở tổng mức vốn 2 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng số 11.100 dự án cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, giảm một nửa số dự án so với giai đoạn 2011-2015.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch đầu tư công hằng năm. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư công thuộc dự toán NSNN hằng năm được Quốc hội quyết định đạt 1.926.063 tỷ đồng, bằng 96,3% kế hoạch đầu tư công trung hạn Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt và vượt 4/6 mục tiêu được Quốc hội thông qua, trong đó, mục tiêu bảo đảm cân đối NSTW cho đầu tư, thu hồi vốn ứng trước là không đạt.
Qua đánh giá, tổng kết, căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu được Quốc hội thông qua, Báo cáo nêu rõ 07 kết quả chủ yếu. Thứ nhất, thể chế pháp luật về đầu tư công được hình thành và ngày càng hoàn thiện, quy định rõ nhiều nội dung về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, phân cấp, trách nhiệm…, tạo khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, ý thức pháp luật trong đầu tư công.
Thứ hai, cơ bản khắc phục được hệ quả của giai đoạn trước còn tồn đọng là nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả và kiểm soát chặt chẽ vốn ứng trước kế hoạch.
Thứ ba, công tác kế hoạch được đổi mới, có tầm nhìn trung hạn, có sắp xếp thứ tự ưu tiên, trong đó trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, cơ cấu đầu tư công có bước chuyển biển tích cực, hài hòa giữa các vùng, miền, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ tư, hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, dần khắc phục đầu tư công phân tán, dàn trải; tỷ lệ dự án hoàn thành ở mức khá (66,2%); hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 đạt 6,1, góp phần huy động vốn đầu tư xã hội đạt 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội thông qua.
Thứ năm, công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng đổi mới, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời với nhiều giải pháp đột phá thông qua 04 Nghị quyết chuyên đề, 06 Hội nghị đầu tư công, các chỉ thị, kết luận, đoàn công tác thúc đẩy giải ngân…, góp phần quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Thứ sáu, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện, nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục… được hoàn thành, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ bảy, công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra có nhiều tiến bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, vận hành Hệ thống quốc gia về đầu tư công, góp phần nâng cao công khai, minh bạch trong đầu tư công.
Kết quả đạt được cơ bản tích cực, đã từng bước cơ cấu lại đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế cả về khách quan và chủ quan.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tác động của đại dịch Covid-19 còn kéo dài; thế và lực của đất nước đã lớn mạnh nhưng thuận lợi và khó khăn đan xen, cơ hội đi kèm với thách thức, nhất là các thách thức về hạ tầng đồng bộ, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… Trong bối cảnh đó, đầu tư công ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với người ngân sách có hạn, đòi hỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần được tiếp tục đổi mới, xây dựng một cách hợp lý, đảm bảo tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đại hội lần thứ XIII đã đề ra, nâng cao hiệu quả đầu tư công ngay từ khâu lập kế hoạch đến khâu thực hiện, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm tốt, nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước với các giải pháp, bước đi vững chắc, phù hợp.
Để đạt được mục tiêu cụ thể của giai đoạn là tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 32-34% GDP thì tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 16% GDP; đến năm 2025, trần nợ công không quá 60% GDP, ngưỡng an toàn nợ công 55% GDP, trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng an toàn nợ Chính phủ 45% GDP.
Tỷ trọng chi đầu tư NSNN chiếm khoảng 28% tổng chi NSNN; phấn đấu chi đầu tư NSNN chiếm 29% tổng chi NSNN, chi đầu tư NSTW đảm bảo vai trò chủ đạo.
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân trung bình giai đoạn 2021-2025 cao hơn giai đoạn 2016-2020, đạt khoảng 90%; phấn đấu số dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn chiếm 80-85% tổng số dự án được bố trí vốn NSTW giai đoạn 2021-2025.
Hoàn thành các tuyến kết nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau. Hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu, ưu tiên cho các vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân.
Trên cơ sở mục tiêu, định hướng, đánh giá khó khăn, thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tập trung 05 nhóm giải pháp. Thứ nhất, bảo đảm nguồn lực NSNN cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 1.440 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công, trong đó tập trung rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh quy định pháp luật đẩy mạnh phân cấp; bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động của Chính phủ trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015, gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá. Kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công; bảo đảm công khai, minh bạch./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư