(MPI) – Đây là một trong số những nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định; tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng.
Thực hiện nghiêm phương châm “vắc-xin + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vắc-xin là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vắc-xin. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân.
Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vắc-xin, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân.
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, thống nhất nhận thức về tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh mà phải xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành, phát triển. Khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, ngành, địa phương.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công…
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021. Chú trọng bảo đảm các cân đối vĩ mô; đề xuất thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn dốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tham mưu tổ chức hội nghị toàn quốc về đầu tư công trong tháng 6/2021 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Đồng thời, có giải pháp mạnh mẽ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2021.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch.
Các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương chỉ đạo thực hiện rà soát, cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí logistics khác. Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân…
Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chưa báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi về ngân sách trung ương số vốn còn lại thuộc kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết do đặc thù của kế hoạch năm 2021 triển khai trong bối cảnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa được Quốc hội quyết định. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện phân bổ chi tiết số vốn kế hoạch năm 2021 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.
Chính phủ cũng thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính về việc cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết; Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2021. Đối với kinh phí chi thường xuyên các chương trình mục tiêu đã bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (trong tổng số 12,5 nghìn tỷ đồng bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại sẽ cắt giảm chi tương ứng.
Chính phủ đồng ý với nội dung Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp, tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu, đánh giá tình hình, nhận định bối cảnh tháng 6 năm 2021 và các tháng cuối năm và xác định các giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thiện Báo cáo; trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo quy định.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý nội dung Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, đây là đột phá chiến lược quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Tập trung có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, các dự án vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Phấn đấu giảm thời gian triển khai dự án để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả. Giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị xin chủ trương trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư