Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/07/2021-17:24:00 PM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025
(MPI) – Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Toàn cảnh Phiên họp

Theo đó, nội dung chủ trương đầu tư Chương trình được rà soát, phân định về đối tượng, phạm vi, nội dung không trùng lặp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đối tượng thụ hưởng của chương trình gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người bị bạo lực trên cơ sở giới, người cai nghiện; người học nghề, người lao động, giáo viên, cán bộ quản lý; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện; cơ sở cung cấp dịch vụ cho trẻ em, hỗ trợ về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cơ quan có liên quan.

Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, thị trường lao động đồng bộ, hiện đại nhằm tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20%-25%/năm; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về chính sách giảm nghèo…

Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình dự kiến là 90.260 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 50.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 21.760 tỷ đồng, huy động hợp pháp khác 18.500 tỷ đồng.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh lại theo hướng: Mục tiêu tổng quát tập trung giải quyết vấn đề giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều gắn với các giải pháp hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo từng chiều của chuẩn nghèo đa chiều, nghiên cứu đưa đồng thời chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm hộ cận nghèo; sửa mục tiêu giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thống nhất với Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bỏ các mục tiêu, chỉ tiêu không liên quan đến địa bàn nghèo, hộ nghèo. Điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu về chất lượng nguồn nhân lực, việc làm bền vững gắn trực tiếp với địa bàn nghèo, hộ nghèo.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ cơ sở đặt ra chỉ tiêu “phấn đấu 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”; làm rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết đối với mục tiêu giảm 1,5 triệu người nghèo/năm khi thực hiện đo lường nghèo đa chiều trên cơ sở hộ gia đình, mối quan hệ giữa giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều và giảm số lượng người nghèo, liệu giảm 1-1,5% hộ nghèo có tương ứng với 1,5 triệu người nghèo, liệu có sự chuyển đổi chính sách từ cho hộ nghèo, cho thành viên trong hộ nghèo đến chính sách cho người nghèo.

Về dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn vốn thực hiện hướng tới mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều bao trùm bền vững, bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chỉ tiêu cho từng chiều nghèo.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Chương trình nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về công tác giảm nghèo bền vững đồng thời đề nghị đổi tên của Chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Chương trình tiếp tục tập trung đầu tư vào địa bàn nghèo, hộ nghèo, vừa giải quyết nghèo đa chiều về thu nhập và các chiều thiếu hụt khác nhằm đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều hàng năm từ 1-1,5%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bố trí đủ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho Chương trình mà Chính phủ đã dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở đã bổ sung các nội dung bảo đảm thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các chiều thiếu hụt của dịch vụ xã hội cơ bản... Ngoài ra, Chính phủ cần cân đối các nguồn lực riêng chăm lo cho người nghèo, cần đánh giá tiêu chí tính thêm nghèo đa chiều.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, Chính phủ cân đối các nguồn lực để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình khi trình Quốc hội cho ý kiến. Căn cứ vào nguồn vốn đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề nghị Chính phủ rà soát, cân đối lại nguồn lực theo ý kiến của cơ quan thẩm tra và Ủy ban Tài chính, Ngân sách; phân bổ vốn cho các dự án thành phần phù hợp, đặc biệt phải rà soát các nội dung trùng lặp với nội dung chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước để đưa ra khỏi chương trình. Đồng thời quán triệt tinh thần đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải manh mún, phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ đã đề ra.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản của 3 chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá làm rõ các nội dung hoạt động trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp nguồn lực, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư. Mặt khác, nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo ở Trung ương, các cấp ở địa phương chung cho cả 3 chương trình để chỉ đạo, điều hành phối hợp hài hòa./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1152
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)