Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/07/2021-15:21:00 PM
Kỳ họp đàm phán cấp Chính phủ về hợp tác phát triển Việt Nam - Đức năm 2021 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 20/7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức tổ chức trực tuyến Kỳ họp đàm phán cấp Chính phủ về hợp tác phát triển Việt Nam - Đức năm 2021. Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Norbert Barthle đồng chủ trì Kỳ họp.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: MPI

Năm 2020 và 2021, thế giới trải qua những tác động với mức độ và quy mô chưa từng có của đại dịch Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Vắc-xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ngay từ khi đại dịch bắt đầu, Chính phủ Việt Nam đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp, linh hoạt và sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.

Những nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, đặc biệt tại các địa phương trọng điểm về kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Đối mặt với những khó khăn, thách thức, Chính phủ Việt Nam vẫn luôn kiên định mục tiêu, giải pháp trong việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, đặc biệt trong năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Kỷ niệm 100 năm thành lập Nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việt Nam luôn ghi nhận và cảm ơn sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong thời gian qua đối với sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó có sự giúp đỡ hết sức quý báu của Chính phủ Đức. Việt Nam luôn coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu ở châu Âu, coi trọng việc củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam - Đức ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Quan hệ hợp tác phát triển luôn được Chính phủ hai nước đánh giá là một trong những lĩnh vực quan trọng để triển khai quan hệ Đối tác chiến lược. Các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ Đức hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian qua rất phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, như hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển năng lương tái tạo cũng như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đợt mưa lũ tại một số bang của Đức vừa qua đã khiến nhiều người thiệt mạng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Đức, đồng thời cho rằng, đây cũng là những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng như các trận lũ lụt tại miền Trung hoặc hạn hán, xâm nhập măn, xói lở tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn hợp tác với Đức trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án có tính chất liên vùng nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Norbert Barthle phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Kỳ họp, ông Norbert Barthle cho biết, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, có khoảng 1/10 diện tích đất liền bị tác động do sự nóng lên toàn cầu. Đây là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà cần có sự hợp tác mang tính toàn cầu, trong đó Việt Nam đóng vai trò then chốt. Đức và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra các giải pháp giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như trong lĩnh vực y tế, ổn định kinh tế và chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, Đức mong muốn nâng cấp Đối tác chiến lược thành Đối tác toàn cầu, từ đó có sự hợp tác, phát triển và lan tỏa ra toàn khu vực cũng như trên thế giới với mục tiêu cùng nhau tạo dựng vị trí trong quá trình hợp tác phát triển.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương và ông Norbert Barthle đều bày tỏ tin tưởng và cho rằng Kỳ họp đàm phán là cơ hội để hai bên cùng chia sẻ, trao đổi thẳng thắn quan điểm, ý kiến về các nội dung trong chương trình nghị sự cũng như đạt được kết quả tích cực, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, chia sẻ những ý tưởng và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới./.

Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1283
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)