Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/08/2013-10:06:00 AM
Phê duyệt Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
(MPI Portal) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2013 về Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.

Ảnh: Internet
Quyết định nhằm mục tiêu bảo đảm quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, từng bước tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi, có khả năng dự báo trước trong trung và dài hạn để góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, mục tiêu Quyết định là góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; khẳng định và nâng cao vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô với quan điểm đổi mới tư duy phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng kiến tạo, hỗ trợ phát triển vì lợi ích chung của đất nước; Đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa các Bộ, cơ quan liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô; Phân định rõ ràng quyền hạn, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Nội dung phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô
Quyết định đưa ra 5 nội dung phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Thứ nhất, phối hợp trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữa các chính sách: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững.
Thứ hai, phối hợp trong việc đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế; trong việc tạo dựng và phát triển các thị trường: vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học-công nghệ…; trong việc đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường và trong các vấn đề về kinh tế đối ngoại.
Thứ ba, phối hợp trong toàn bộ chu trình xây dựng và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm: xác định các mục tiêu của chính sách; đánh giá tác động và đưa ra các giải pháp, công cụ thực hiện mục tiêu chính sách; triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách và đánh giá, điều chỉnh chính sách.
Thứ tư, phối hợp trong việc xây dựng các phương án, giải pháp đối với các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến môi trường kinh tế vĩ mô, nhất là những biến động bất thường về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và khu vực.
Thứ năm, phối hợp trong việc xây dựng hệ thống thông tin, bao gồm: tạo lập hành lang pháp lý cho việc xây dựng cơ sở thông tin thống nhất cho hoạt động dự báo và tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo; xác định rõ các nội dung dự báo vĩ mô chủ yếu của bộ, cơ quan liên quan gắn với yêu cầu thông tin dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của các Bộ, cơ quan, địa phương.
Giải pháp chủ yếu thực hiện cải cách phối hợp
Theo Quyết định, để cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô cần: Đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng chú trọng tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; bảo đảm huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, phối hợp đồng bộ trong toàn bộ quá trình từ xây dựng, ban hành đến thực thi và kiểm tra, đánh giá các cơ chế, chính sách quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, khắc phục tư duy và tình trạng hình thức trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phối hợp.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng đưa ra một số giải pháp cụ thể như rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý quy định về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô giữa các Bộ, cơ quan, địa phương; tăng cường phối hợp trong quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế chính sách kinh tế vĩ mô; Xây dựng bộ công cụ và phương pháp giám sát, đánh giá tác động, các chế tài xử lý vi phạm trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cập nhật, đầy đủ, chính xác; Kiện toàn và tăng cường năng lực cho các đơn vị làm công tác dự báo tại các Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Cũng theo Quyết định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô với lộ trình phù hợp; Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Từ đó, tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện cơ chế phối hợp của các Bộ, cơ quan liên quan và các đề xuất, kiến nghị nếu có, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện ngay trong năm 2013 Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành trong các lĩnh vực: Tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1339
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)