(MPI) – Ngày 30/7/2021, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2021 cả nước thành lập mới 843 HTX, cao hơn 92 HTX so với cùng kỳ năm 2020, đạt 56,2% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 635 HTX (chiếm 75,32%), phi nông nghiệp là 208 HTX (chiếm 24,68%). Đến tháng 6/2021, cả nước có 26.145 HTX, tăng 863 HTX so với cùng kỳ năm 2020; trong đó 17.060 HTX nông nghiệp, 7.897 HTX phi nông nghiệp, 1.188 Quỹ tín dụng Nhân dân. Khu vực HTX thu hút trên 6,81 triệu thành viên (tăng 838 thành viên so với ngày 31/12/2020) và 2,49 triệu lao động (giảm 18.083 lao động so với 31/12/2020). Tổng vốn điều lệ đạt trên 48,8 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,868 tỷ đồng/HTX. Tổng giá trị tài sản đạt trên 182,3 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 2,33% so với ngày 31/12/2020).
6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 8 liên hiệp hợp tác xã (LHHTX), đạt 46,67% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021; giải thể 3 LHHTX. Đến tháng 6/2021, cả nước có 106 LHHTX, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. LHHTX xây dựng định hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, tăng cường liên kết giữa thành viên và tìm kiếm đầu ra cho các HTX thành viên. Đối với những LHHTX mới thành lập, chưa có vốn tích lũy, khó khăn về cung ứng dịch vụ thành viên, doanh thu, trả vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, thu hút thành viên.
6 tháng đầu năm 2021, cả nước thành lập mới 715 tổ hợp tác (THT), đạt 28,6% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, giảm 848 THT so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, cả nước có 119.963 THT, trong đó có 73.757 THT nông nghiệp (61,48%), 46.206 THT phi nông nghiệp (38,52%). Ngành nghề hoạt động của các THT khá đa dạng như THT trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tín dụng,...
Về chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ở Trung ương, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX ban hành. Nghị định số 45/2021/NĐ-CPcủa Chính phủ ngày 31/3/2021, Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 03/02/2021, Quyết định số 340/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 12/3/2021,... Ở địa phương, Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành trên 200 văn bản chỉ đạo phát triển KTTT, HTX. Một số tỉnh và ở cấp huyện ban hành chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển KTTT, HTX,...
Về kết quả đạt được, 61/63 tỉnh trên cả nước có HTX được thành lập mới, một số tỉnh có số lượng thành lập cao. Số lượng HTX thành lập mới trong nông nghiệp chiếm đa số, tập trung ở khu vực Đông Bắc và Tây Bắc. Khu vực KTTT, HTX có duy trì ổn định; nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX được đẩy mạnh, thu hút thành viên, huy động thêm vốn góp từ thành viên, đi vào chiều sâu, có nhiều chuyển biến chất lượng hiệu quả được nâng lên; các HTX chủ động, định hướng rõ về cung ứng dịch vụ và lợi ích mang lại cho thành viên., quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, từng bước tiếp cận mở rộng đối với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Xuất hiện một số mô hình HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm ứng dụng kỹ thuật, một số ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, thân thiện môi trường, theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, dựa vào vùng nguyên liệu sẵn có địa phương mang tính ổn định về thành viên, dịch vụ thành viên và định hướng sản xuất gắn với nhu cầu sản lượng, liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, khắc phục điểm yếu về công tác kế toán, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, liên kết các tập đoàn lớn trong tiêu thụ sản phẩm, hình thành liên kết giữa các HTX với HTX, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần cung ứng nông sản, đảm bảo bình ổn giá thành cho nhu cầu thiết yếu của người dân đặc biệt trong tình hình dịch bệnh lan rộng trên nhiều địa bàn.
Về hạn chế tồn tại, một số ít tỉnh có HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; một số chưa có trụ sở làm việc, hoạt động chưa hiệu quả, phải ngừng hoạt động, một số không giải thể được do nợ đọng, vướng mắc về cơ chế chính sách; quy mô nhỏ, chưa phát huy được nội lực. Lĩnh vực nông nghiệp, 52,4% HTX gặp khó khăn nhiều trong các khâu sản xuất: đầu vào, quá trình chế biến/sản xuất, khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Tại khâu đầu vào, 51% số lượng HTX gặp khó khăn về nguồn vốn và đặc biệt là giá mua nguyên/nhiên/vật liệu; khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng.
Lĩnh vực phi nông nghiệp bị tác động mạnh bởi dịch bệnh trong hầu hết các loại hình HTX. Hầu hết HTX, liên hiệp HTX vận tải, thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch,... chịu tác động tiêu cực, không kịp thay đổi và khó điều chỉnh phương thức tổ chức hoạt động do dịch bệnh bùng phát mạnh, kéo dài, khoảng 65% HTX phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa tồn đọng nhiều, chi phí bảo quản, lưu kho bãi tăng, giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh (giảm 45,3%),...
Về những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu của HTX, liên hiệp HTX và THT về vốn tín dụng, tập trung tối đa các nguồn lực xây dựng đề án, chương trình trọng điểm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho HTX trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài; đẩy mạnh các hình thức liên kết các tỉnh theo vùng, miền nhằm hỗ trợ trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm HTX; hỗ trợ ứng dụng công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, tập trung cho các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của HTX.
Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đổi mới phương thức thông tin tuyên truyền về phát triển KTTT, HTX, nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của KTTT, HTX mang lại cho thành viên, thu hút thành viên; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất sản phẩm theo chương trình OCOP; cung ứng dịch vụ phục vụ thành viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên, hỗ trợ thành viên, HTX, LHHTX, THT hoạt động sản xuất ổn định, duy trì trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao và thống nhất với báo cáo của Ban Chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam về tình hình hoạt động của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Ủy ban Kiểm tra; Kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, thi hành Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1328/QĐ-BKHĐT ngày 23/7/2021. Đồng thời đưa ra quan điểm về việc xây dựng Quy chế lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị và Quy chế hỗ trợ hợp tác xã phát triển sản xuất, việc triển khai kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã các tỉnh Bình Định, Bình Phước, Sơn La, Bắc Kạn, Hậu Giang, Kon Tum,... đã chia sẻ những khó khăn của các hợp tác xã ở địa phương gặp phải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã về nguồn vốn, hỗ trợ chế biến sâu, nguyên liệu đầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các gian hàng điện tử của tỉnh để các hợp tác xã giới thiệu sản phẩm.
|
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Thống đánh giá cao sự năng động, hoạt động hiệu quả của Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ, đã luôn đồng hành cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện mọi nhiệm vụ quan trọng liên quan đến đổi mới, phát triển KTTT, HTX. Ban Chấp hành đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nhiều việc quan trọng như tham gia, giải trình để Chính phủ phê duyệt Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về Quỹ hỗ trợ HTX; Quyết định số 1328/QĐ-TTg về phê duyệt Điều lệ của Liên minh HTX Việt Nam; tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược Phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch Phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; Đề án lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả giai đoạn 2021-2025; chuẩn bị tổng kết thi hành Luật HTX năm 2012 và Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX.
Đồng thời đề nghị, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần nắm bắt tình hình của các địa phương trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục có những hỗ trợ, đề xuất các chính sách giúp lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vượt qua đại dịch và phát triển. Cùng với đó, hợp tác xã ở các địa phương cần phát huy vai trò của mình, nhất là các hợp tác xã ở Vùng Đông Nam bộ nơi đang có tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải giãn cách xã hội.
Thứ trưởng Võ Thành Thống đánh giá cao kế hoạch triển khai chương trình kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản theo đề xuất của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, đây là chương trình tốt không chỉ cho đợt dịch này mà còn cho thời gian dài ở phía sau.
Đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện Kết luận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc với Liên minh HTX Việt Nam (Thông báo số 41/TB-BKHĐT ngày 23/6/2021).
Chiến lược và phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã của thời gian tới đã có, Thủ tướng Chính phủ cũng đã Đề án lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX hiệu quả giai đoạn 2021-2025, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong rằng, với vai trò lòng cốt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ góp phần tổ chức hoàn thành chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của giai đoạn tới.
Trong những năm qua khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Các hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn, hạn chế cần có sự đột phá để đóng vai trò lớn hơn trong cơ cấu nền kinh tế, trong đó có vấn đề về quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có nhiều kế hoạch, giải pháp để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể có điều kiện phát triển tốt hơn. Cụ thể, hệ thống quản lý nhà nước về hợp tác xã sẽ tiếp tục được kiện toàn, nâng cấp đối với các tỉnh. Thứ hai, các cơ chế, chính sách sẽ tập trung vào tổng kết thi hành Luật HTX năm 2012, trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu, chỉnh sửa, bổ sung Luật Hợp tác xã để tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thứ ba, đẩy mạnh phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và Liên minh Hợp tác xã để hỗ trợ tốt đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lĩnh vực kinh tế tập thể phát triển tốt hơn trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư