Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/08/2013-09:53:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Sáu và 6 tháng đầu năm 2013 thành phố Hà Nội
Báo cáo số 226/BC-CTK ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Cục Thống kê thành phố Hà Nội.
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng năm 2013 tăng 7,67% so cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ của một số năm gần đây ở Hà Nội như sau:
Năm
2010
2011
2012
2013
Tốc độ tăng GRDP (%)
10,1
9,3
7,6
7,67
- Nông - lâm - thuỷ sản
7,3
5,1
-2,9
2,95
- Công nghiệp, xây dựng
11,5
10,4
8,1
7,46
- Dịch vụ
9,1
8,7
8,5
8,50
Giá trị tăng thêm ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng 2,95% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 0,17% vào mức tăng chung). Vụ đông năm nay tình hình sâu bệnh trên hoa màu không đáng kể. Hầu hết các loại cây trồng đều cho năng suất khá hơn năm trước và do diện tích gieo trồng tăng nên sản lượng tăng đáng kể. (Riêng lúa vụ đông xuân, do diện tích gieo trồng giảm, đồng thời, do một số diện tích giống lúa BC 15 cấy sớm ở một số huyện bị lép làm năng suất lúa toàn Thành phố giảm). Số đầu gia súc hầu hết giảm, tuy không lớn, so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm giảm, không bù đắp đủ chi phí cho người chăn nuôi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng gây tâm lý e ngại cho người sản xuất đầu tư vào chăn nuôi.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,46% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 3,7% vào mức tăng chung). Sản xuất công nghiệp tuy gặp khó khăn do sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều, lãi suất cho vay ngân hàng tuy giảm nhưng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế... nhưng Thành phố đã thực hiện tích cực các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: ban hành và thực hiện Kế hoạch tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố, giữa cộng đồng doanh nghiệp với ngân hàng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp... nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Ngành xây dựng, nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tiền tệ thắt chặt... Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách được duy trì, giải ngân vốn xây dựng cơ bản tốt, Thành phố triển khai thực hiện gói kích cầu, hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng nông nghiệp nông thôn... nên đã góp phần vào tăng trưởng của ngành xây dựng.
Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước (đóng góp 3,79% vào mức tăng chung). Khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá và hành khách của các doanh nghiệp vận tải Hà Nội tăng đáng kể. Ngành vận tải, bưu chính viễn thông có mức tăng khá. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển. Khách tham quan, du lịch Hà Nội tăng khá, nhất là dịp Tết. Tổng nguồn vốn huy động và dư nợ của các tổ chức tín dụng tăng khá so cùng kỳ năm trước. Các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hoá, y tế… vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Tình hình sản xuất kinh doanh:
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Sáu năm 2013 tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 10,1% và tăng 35,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9% và tăng 13,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 8,3% và tăng 4,2%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 1,7% và tăng 21,7%.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 4,3% so cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 0,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 10,5%; cung cấp nước, xử lý nước thải và thu gom rác tăng 5,8%.
Do sản xuất gặp khó khăn, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp những tháng của quí II năm 2013 chậm hơn so với quí I năm 2013. Tuy nghiên, một số ngành công nghiệp mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành như: công nghiệp dệt (tăng 50,9%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 50,6%), sản xuất kim loại (tăng 36,3%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 21,6%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 16,5%)... Một số ngành vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, lượng hàng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất giảm như: chế biến thực phẩm (giảm 1,7%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 26%), sản xuất sản phẩm điện tử (giảm 1%), sản xuất giường tủ, bàn ghế (giảm 3,4%)...
Tháng Sáu năm 2013, nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp Hà Nội đều tăng so với tháng trước: thức ăn gia súc (tăng 1,4%), bia đóng chai (tăng 8,2%), thuốc lá bao (tăng 2,1%), quần áo dệt kim (tăng 1,8%), xe máy (tăng 5,8%), ô tô (tăng 1,8%)...
Dự tính 6 tháng đầu năm 2013, bên cạnh một số sản phẩm công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng khá so cùng kỳ năm trước như: bia đóng chai (tăng 6%), thuốc lá bao (tăng 17,4%), quần áo dệt kim (tăng 36,8%), máy in-copy (tăng 8,9%), quạt điện dân dụng (tăng 31,8%), xe máy (tăng 1,1%)… thì nhiều sản phẩm gặp khó khăn trong tiêu thụ nên sản xuất giảm so cùng kỳ như: sứ vệ sinh (giảm 6,4%), tủ lạnh gia đình (giảm 6,8%)…
2.2. Tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp:
Tháng Sáu năm 2013, chỉ số sử dụng lao động tăng 0,6% so tháng trước và tăng 0,13% so cùng ký năm trước. Trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 0,6% và tăng 1,6%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 1% và giảm 0,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3% và giảm 1,4%.
Một số ngành kinh tế có chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng so cùng kỳ là: khai khoáng (tăng 8,7%), sản xuất trang phục (tăng 4,1%), sản xuất thuốc, hoá và dược liệu (tăng 3,6%), sản xuất xe có động cơ (tăng 2,5%), sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 4,8%), sản xuất giường tủ, bàn ghế (tăng 12,7%), khai thác, xử lý và cung cấp nước (tăng 18,6%)… Một số ngành, chỉ số sử dụng lao động giảm khá mạnh là: sản xuất chế biến thực phẩm (giảm 11,7%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (giảm 14,1%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (giảm 11,8%), sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại (giảm 1,4%)…
3. Xây dựng cơ bản
3.1. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (vốn đầu tư xã hội):
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013 đạt 90.828 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn, tăng 15,4%; vốn ngoài nhà nước tăng 10,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Chia theo khoản mục đầu tư: vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chiếm tỷ trọng 26,8%, tăng 11,3% so cùng kỳ năm trước; Vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất, chiếm tỷ trọng 19,4%, tăng 16,3%; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản, chiếm tỷ trọng 0,8%, tăng 11%; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động, chiếm tỷ trọng 48,7%, tăng 10%; Vốn đầu tư khác, chiếm tỷ trọng 4,3%, tăng 5,8%.
6 tháng đầu năm 2013, khu vực vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 20,5% so với cùng kỳ, riêng phần vốn ngân sách của Thành phố tăng 21,9%, đạt 35,2% so với kế hoạch năm 2013. Tốc độ giải ngân 6 tháng năm 2013 tăng khá so với tốc độ giải ngân của cùng kỳ năm trước.
* Tình hình đầu tư trên địa bàn thành phố:
- Cuối tháng Năm, đã làm lễ động thổ xây dựng khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm. Dự án có diện tích 2,2 ha trong tổng diện tích 49 ha của khu đô thị Tây nam Linh Đàm, với 6 tòa nhà chung cư cao từ 9 đến 18 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 75.800m2, tổng mức đầu tư gần 710 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, dự án cung cấp 1.037 căn hộ cho quỹ nhà ở XH của Hà Nội.
Đầu tháng Sáu, tại huyện Quốc Oai đã diễn ra lễ động thổ Dự án Khu nhà ở xã hội Sunny Garden City. Đây là dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chuyển đổi thành nhà ở xã hội đầu tiên chính thức khởi động trên cả nước. Khu nhà ở xã hội Sunny Garden City có diện tích hơn 10ha có tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng, cung cấp 500 căn hộ với diện tích từ 30m2 đến 70m2/căn, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2015, mức giá dự kiến thấp nhất chỉ khoảng từ 250-300 triệu đồng/căn.
- Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo kế hoạch cuối năm 2014 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý II/2015. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2013 dự án mới hoàn thành gần 40% khối lượng công việc. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 8.769 tỷ đồng, có điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga bến xe Hà Đông mới, dài 13,1km, bao gồm 12 nhà ga và 1 khu Depot. Theo kế hoạch năm 2013 phải cơ bản hoàn thành các công tác giải phóng mặt bằng; 80% khối lượng thi công trụ cầu trung gian (360/425 trụ); 65% khối lượng đúc dầm (540/ 806 phiến dầm); triển khai thi công toàn bộ 12 nhà ga, trong đó hoàn thành 50% kết cấu chính của các nhà ga…Nhưng đến nay, tổng khối lượng công việc thực hiện mới đạt gần 40%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở khâu giải pgóng mặt bằng bị ách tắc, nhất là mặt bằng đoạn qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân và phần mở rộng nghĩa trang Trinh Lương để di dời nghĩa trang Văn Nội của quận Hà Đông… Trong thời gian tới, nếu việc giải phóng mặt bằng tiếp tục chậm trễ, khả năng dự án không thể hoàn thành theo tiến độ là rất lớn.
3.2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, Thành phố Hà Nội đã cấp phép mới và bổ sung vốn đầu tư cho 104 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 300,5 triệu USD; bằng 84,5% về số dự án và 78,8% về vốn so cùng kỳ năm trước. Một số dự án đầu tư nước ngoài mới có qui mô vốn lớn đang được xem xét thủ tục đầu tư, có điều kiện nâng vốn đăng ký trong thời gian tới như: Dự án sân vận động đua xe đạp lòng chảo dự kiến 500 triệu USD, dự án khu đô thị Quốc Oai dự kiến 140 triệu USD, khách sạn SAS 236 triệu USD.
3.3. Đăng ký thành lập doanh nghiệp: Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, có 7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn 52,3 nghìn tỷ đồng (giảm 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 13,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước). Số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ trước nhưng vẫn còn lớn. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, có 6.192 doanh nghiệp ngừng hoạt động (giảm 20% so cùng kỳ), trong đó: giải thể 222 doanh nghiệp (tăng 27%), đang làm thủ tục giải thể 1.266 doanh nghiệp (tăng 27%), bỏ địa chỉ kinh doanh 2.804 doanh nghiệp (giảm 2%), tạm ngừng kinh doanh 1.900 doanh nghiệp (giảm 49%)
4. Thương mại dịch vụ
4.1. Nội thương: Tháng Sáu năm 2013, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 1,3% so tháng trước (bán lẻ tăng 1,1%) và tăng 10,6% so cùng kỳ năm trước (bán lẻ tăng 9,8%).
Đang ở giữa mùa hè, thời tiết nắng nóng nên doanh thu các loại hàng như: quạt điện, điều hoà, quạt tích điện, thiết bị lưu điện, máy phát điện và dịch vụ giải khát tăng.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó, bán lẻ tăng 11,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 6 tháng đầu năm nay tốc độ tăng không cao, nếu loại trừ yếu giá tăng 6,6% so cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2012 tăng 8%). Năm nay, do đời sống khó khăn nên sức mua trong dân thấp, người dân cắt giảm mạnh chi tiêu kể cả đối với những mặt hàng thiết yếu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra của các doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh thương mại.
4.2. Ngoại thương: Tháng Sáu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 1,1% so tháng trước và tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 1,1% và tăng 5,7%. Trong tháng Sáu, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so tháng trước, chỉ có hai mặt hàng giảm là: nông sản (giảm 4,4%) và xăng dầu tạm nhập, tái xuất (giảm 0,7%).
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 5069 triệu USD, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 0,1%. Một số mặt hàng có tốc độ tăng khá so cùng kỳ là: hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 15,9%), giày dép và các sản phẩm từ da (tăng 17,3%)... Một số mặt hàng xuất khẩu giảm là: hàng nông sản (chủ yếu là gạo), xăng dầu, than đá, thủy tinh và sản phẩm thủy tinh... So cùng kỳ trước, xuất khẩu gạo giảm 5,2% do nguồn cung trên thế giới khá dồi dào, hoạt động xuất khẩu gạo chưa có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, trên thị trường thương mại các doanh nghiệp hầu như chỉ xuất được các loại gạo thơm, gạo nếp và gạo đồ. Xuất khẩu xăng dầu giảm 40,3% do thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội là Campuchia và Lào, trước kia nhập khẩu qua các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay chuyển sang nhập khẩu trực tiếp từ các nước khác. Than đá xuất khẩu giảm 17,2%, nguyên nhân là giá xuất khẩu than giảm và Nhà nước hạn chế xuất khẩu than nên khách hàng tìm đến các thị trường xuất khẩu khác.
Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là: Mỹ (chiếm tỷ trọng 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), Nhật Bản (chiếm 12,3%), Trung Quốc (chiếm 12,1%)...
Kim ngạch nhập khẩu tháng Sáu tăng 2,8% so tháng trước và tăng 9% so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 2% và tăng 10,6%.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu đạt 11912,2 triệu USD tăng 4,8% so cùng kỳ, trong đónhập khẩu địa phương ước 5,8%. Trị giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2013 của một số mặt hàng nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là: chất dẻo (tăng 19,4%), máy móc thiết bị phụ tùng (tăng11,4%). Mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ trước là: xăng dầu (giảm 26,9%). Thị trường nhập khẩu chủ yếu của Hà Nội là: Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 258% tổng kim ngạch nhập khẩu), Nhật Bản (chiếm 10,2%), Hàn Quốc (chiếm 8,4%).
4.3. Du lịch: Tháng Sáu năm 2013, khách Quốc tế vào Hà Nội khoảng 128,2 nghìn lượt khách, giảm 7,7% so tháng trước và tăng 26,9% so cùng kỳ. Khách nội địa đến Hà Nội giảm 3,9% so tháng trước và tăng 12,7% so cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 1,1% so tháng trước và tăng 24,8% so cùng kỳ.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội là 929,6 nghìn lượt người tăng 21,5% so cùng kỳ. Trong đó, khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng 84,4%, tăng 25,5% so cùng kỳ, khách đến vì công việc chiếm tỷ trọng 13,4%, tăng 9,3%.
Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013 chia theo phương tiện đến như sau: bằng đường hàng không là 773,6 nghìn lượt người, tăng 20,8% so với cùng kỳ; bằng đường biển, đường bộ 156 nghìn lượt người, tăng 25,4%. Trong 6 tháng năm 2013, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đến từ một số thị trường so cùng kỳ tăng cao là: khách Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 6,6%, tăng 64,9%; khách Thái Lan chiếm tỷ trọng 3%, tăng 49%, khách từ Vương quốc Anh, tỷ trọng 5,6%, tăng 48,5%, khách Úc chiếm tỷ trọng 8,8%, tăng 22,9%, khách Nhật Bản chiếm tỷ trọng 9,3%, tăng 19,3%... Khách đến từ một số nước giảm so cùng kỳ là: Trung Quốc (giảm 10%), Singapore (giảm 5,1%), Đài Loan (giảm 1,1%)...
Dự kiến 6 tháng năm 2013, khách nội địa đến Hà Nội tăng 12% so cùng kỳ năm trước. Nhằm thu hút khách, nhiều công ty đã xúc tiến các tour giảm giá với nhiều mức khuyến mại khác nhau. Các tour thăm quan nước ngoài có giá ưu đãi cũng đang là lựa chọn của nhiều gia đình và cá nhân trong mùa du lịch này.
4.4. Giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu năm 2013 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 5,43% so cùng kỳ. Có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so tháng trước. Tăng mạnh nhất là nhóm văn hoá, giải trí và du lịch (tăng 0,62%), tiếp theo là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,41%).
Giá gạo vẫn có xu hướng giảm khiến cho nhóm lương thực giảm 0,01%. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ chậm, nguồn cung dồi dào, các tỉnh miền Nam được mùa trong khi tình hình xuất khẩu giảm khiến cho giá gạo giảm nhẹ. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của nhân dân vẫn ở mức thấp do thời tiết nắng nóng và tâm lý lo ngại dịch tai xanh ở lợn bùng phát ở nhiều địa phương, trong khi chi phí đầu vào của chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi đang phải bán dưới mức giá thành sản xuất. Các mặt hàng rau, củ, quả nguồn cung tương đối ổn định do đang ở chính vụ thu hoạch. Ăn uống ngoài gia đình vẫn khá ổn định do lương thực và thực phẩm giữ giá. Riêng những mặt hàng đồ uống giải khát tăng giá do nhu cầu tiêu dùng và giá nguyên liệu tăng. Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép mùa hè có xu hướng tăng nhẹ do yếu tố đầu vào và chi phí vận chuyển tăng đã đẩy giá lên theo.
Trong tháng này, chỉ số giá vàng giảm 3,93% và chỉ số giá USD tăng 0,34% so với tháng trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình giá cả thị trường đã hạ nhiệt hơn so với trước, đặc biệt, 3 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng giảm. So tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,21%, tháng 4 giảm 0,15%, tháng 5 giảm 0,22% . Như vậy sau 6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12 năm trước chỉ tăng 1,74% (chỉ số này của 6 tháng năm 2012 là 2,57%). Tốc độ tăng bình quân 1 tháng trong 6 tháng đầu năm 2013 là 0,29%/tháng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2013 so cùng kỳ tăng 5,71%.
4.5. Vận tải: Tháng Sáu năm 2013 so tháng trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 1%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 0,5%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 0,7%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 0,7%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 0,6%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 0,7%.
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013 so cùng kỳ năm trước, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 18,5%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 18,2%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 18,9%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 16,3%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 18%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 18,5%.
4.6. Bưu chính viễn thông:
- Bưu chính: tháng Sáu năm 2013, doanh thu bưu chính tăng 1,1% so tháng trước. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu bưu chính tăng 18,6% so cùng kỳ năm trước.
- Viễn thông: tháng Sáu năm 2013 số thuê bao tăng thêm là 85,2 nghìn thuê bao điện thoại (tăng 1,1% so tháng trước); 32,6 nghìn thuê bao Internet (tăng 1,7%), doanh thu viễn thông đạt 1407,6 tỷ đồng (tăng 1,7%).
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, số thuê bao tăng thêm là 498,2 nghìn thuê bao điện thoại (tăng 17,7% so cùng kỳ năm trước); 187,4 nghìn thuê bao Internet (tăng 17,2%). Doanh thu viễn thông đạt 8077,5 tỷ đồng (tăng 20,2%).
5. Sản xuất nông nghiệp
5.1. Cây hàng năm
Các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành thu hoạch lúa xuân, hiện đang tập trung chỉ đạo công tác làm đất, gieo mạ và cấy lúa mùa. Tính đến ngày 12/6/2013 diện tích làm đất 44.882 ha (đạt 44% kế hoạch); diện tích mạ đã gieo 4.414 ha (đạt 66% kế hoạch). Kết quả sản xuất vụ đông xuân như sau:
Về diện tích: tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 172.257,5 ha, tăng 4,76% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích vụ đông 2012 - 2013 tăng. Trong đó: diện tích lúa 102.340 ha, giảm 0,31% (- 319 ha); diện tích ngô 16.555 ha, tăng 0,86%; diện tích các loại cây chất bột lấy củ 3.700 ha, giảm 10,27%; khoai lang 3.543 ha, giảm 11,43%; cây có hạt chứa dầu 21.884 ha, tăng 51,67%, chủ yếu do tăng diện tích đậu tương vụ đông (đỗ tương 791 ha, tăng 77,89%)…
Về năng suất: Một số cây như khoai lang, khoai sọ, rau đậu các loại cũng tăng khá so với cùng kỳ: Khoai lang, 101,25 tạ/ha, tăng 9,01%; Khoai sọ 118,12 tạ/ha, tăng 25,87%; Rau các loại 192,08 tạ/ha, tăng 101,0%; Đậu các loại 15,34 tạ/ha, tăng 15,6%;… Tuy nhiên cũng có một số loại cây trồng năng suất giảm hơn cùng kỳ nhưng không nhiều, đặc biệt là lúa, năng suất giảm 1,08%, đạt 61,1 tạ/ha. Mặc dù năm nay, theo đánh giá của các huyện là năm được mùa, nhiều huyện năng suất lúa cao hơn cùng kỳ như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Mê Linh,… nhưng do một số diện tích lúa giống BC 15 cấy sớm ở các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây (2.442 ha) bị lép làm năng suất lúa toàn Thành phố giảm 0,67 tạ/ha.
Về sản lượng: Do diện tích và năng suất đều giảm nên sản lượng lúa đông xuân vụ này sơ bộ đạt 624.674 tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ, riêng giống lúa BC15, ước thiệt hại trên 7,7 ngàn tấn; Ngô 78.179 tấn, giảm 1,45%; Khoai lang 35.873 tấn, giảm 3,44%; đậu tương 26.755 tấn, tawng70,34% (do diện tích vụ đông tăng ); Lạc 7.857 tấn, giảm 8,36%, Rau các loại 431.930 tấn, tăng 2,57% (do diện tích và năng suất đều tăng); Đậu các loại 923 tấn, tăng 22,56%; …
5.2. Cây lâu năm
Dự kiến 6 tháng đầu năm 2013, diện tích cây lâu năm xấp xỉ cùng kỳ. Một số loại cây có diện tích tăng như­ xoài, chuối, na, chè,…Bên cạnh đó, một số cây diện tích giảm do năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao như­ dứa, cam, táo, vải, dâu tằm,… đã bị phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Cụ thể, diện tích xoài ước đạt 431 ha, tăng 2,1%; Chuối 2.830 ha, tăng 9,1%; Dứa 307,4 ha, giảm 3,9%; Cam 694,5 ha, giảm 14,8%; bưởi 2.480,7 ha, giảm 0,5%; táo 570 ha, giảm 30,6%; nhãn 1.936 ha, giảm 1,0%; vải 1.261 ha, giảm 3,6%; chè 3.052 ha, tăng 1,04%; dâu tằm 131 ha, giảm 22,6%;…
5.3. Lâm nghiệp: Dự kiến 6 tháng đầu năm diện tích rừng được trồng mới 216 ha, tăng 98,35% so với cùng kỳ, trong đó rừng sản xuất trồng mới 103 ha, tăng 347,83%, rừng phòng hộ trồng được 113,0 ha, tăng 31,55%. Nguyên nhân diện tích trồng mới rừng sản xuất tăng là do huyện Thạch Thất trồng 103 ha (năm 2012 không trồng), Diện tích rừng trồng mới tập trung ở 3 huyện, thị xã là Sóc Sơn 70 ha, Thị xã Sơn Tây 43 ha, Thạch Thất 103 ha. Diện tích rừng trồng được giao chăm sóc năm thứ 2, 3, 4 là 421,6 ha, tăng 3,41%. Năm 2013 Thành phồ đã đầu tư kinh phí cho một số huyện tiếp tục khoanh nuôi tái sinh 773 ha (năm 2012 không giao). Số cây lâm nghiệp phân tán đã trồng gần 559 ngàn cây, giảm 0,78%.
Tình hình khai thác gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm nhìn chung tăng hơn cùng kỳ năm trước, tập trung ở khu vực rừng trồng; Các loại cây khai thác phần lớn là cây Bạch đàn, Keo làm nguyên liệu giấy và gỗ chống lò, côppha xây dựng. Tổng số gỗ khai thác ước tính 7.264,2 m3 , tăng 19,21%; Củi khai thác được 12.918 Ste, tăng 4,17%; Nứa hàng 60 ngàn cây, tre, luồng 293,6 ngàn cây, song mây 30,4 tấn,…
Thiệt hại rừng: Do thời tiết nắng, nóng nên trong 6 tháng đầu năm toàn Thành phố đã xảy ra 6 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là 14 ha diện tích rừng trồng, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 29,27 triệu đồng; Chưa phát hiện vụ chặt phá rừng làm nương rẫy nào. Xử lý 22 vụ vi phạm hành chính về quản lý bảo vệ rừng và vận chuyển lâm sản, xử phạt thu nộp ngân sách Nhà nước 321,8 triệu đồng, tịch thu 10,14 m3 gỗ quy tròn.
5.4. Chăn nuôi, thuỷ sản:
- Chăn nuôi: Số đầu gia súc hầu hết giảm so với cùng kỳ. Đàn trâu hiện có 23.916 con, giảm 1,02%; Đàn bò 137.778 con, giảm 7.251 con (giảm 5,0%), trong đó bò sữa 10.782 con, tăng 8,67%; Đàn lợn 1,4 triệu con, giảm 0,87%; trong đó đàn lợn thịt trên 1,2 triệu con, giảm 1,2%; Nguyên nhân vẫn là do giá thức ăn tăng cao, giá bán sản phẩm giảm, không bù đắp đủ chi phí cho người chăn nuôi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng gây tâm lý e ngại cho người sản xuất đầu tư vào chăn nuôi.
Đàn gà, vịt, ngan, ngỗng hiện có 19.697 ngàn con, tăng 2,7%, trong đó đàn gà 14.228 ngàn con, tăng 1,08%. Vịt 4.867 ngàn con, tăng 13,13%. Gia cầm khác 2.808 ngàn con, tăng 0,45%,…
Về sản lượng sản phẩm chăn nuôi: Số trâu, bò xuất chuồng và sản lượng thịt hơi tăng hơn cùng kỳ: Số trâu xuất chuồng 3 449 con, tăng 3,36%; sản lượng 772 tấn, tăng 3,21%. Số bò xuất chuồng 24 773 con, tăng 0,01%; Sản lượng 4 803 tấn, tăng 0,21%; Sản lượng sữa tươi 13 756 tấn, tăng 20,68%. Số con lợn xuất chuồng và sản lượng thịt hơi giảm nhẹ so với cùng kỳ: Số lợn xuất chuồng 1.844.675 con, giảm 4,61%, sản lượng thịt hơi 151 760 tấn, giảm 0,84%. Số lượng và sản lượng xuất chuồng các loại gia cầm đều tăng hơn cùng kỳ: Số lượng gà, vịt, ngan, ngỗng xuất chuồng 17.270 ngàn con, tăng 6,93%; Sản lượng thịt hơi 36.981 tấn, tăng 10,36%; Sản lượng trứng trong kỳ 479,16 triệu quả, tăng 15,40%: Đàn gà, có số con xuất chuồng 13.319 ngàn con, tăng 8,48%, sản lượng thịt hơi 28.198 tấn, tăng 12,43%, sản lượng trứng 283,1 triệu quả, tăng 16,34%. Đàn vịt có số con xuất chuồng 3.460 ngàn con, tăng 9,77%; sản lượng xuất chuồng 7.346 tấn, tăng15,20%;...
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để chủ động ngăn chặn và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm, Thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện công văn 1377/BNN-TY của Bộ NN & PTN triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn quốc từ 1/5/2013 đến ngày 31/5/2013. Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai sau khi kết thúc tiêm phòng đợt I năm 2013.
- Thủy sản: 6 tháng đầu năm 2013, toàn Thành phố có 17.879 cơ sở nuôi trồng thủy sản, tăng 9,36% so với cùng kỳ, trong đó nuôi cá 17.628 cơ sở, nuôi lồng, bè 83 cơ sở, sản xuất giống 157 cơ sở. Chia theo hình thức nuôi thì nuôi thâm canh có 6.418 cơ sở, tăng 6,72% cùng kỳ; bán thâm canh 9.897 cơ sở, tăng 103,02%; nuôi quảng canh năm nay giảm mạnh, chỉ còn 1.564 cơ sở, giảm 71,36% (chiếm 8,75% số cơ sở nuôi trồng thủy sản).
Về diện tích nuôi trồng thuỷ sản: Toàn Thành phố ước đạt 15.695 ha, tăng 11,57% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi cá 15.611 ha tăng 11,65%; diện tích nuôi tôm giảm mạnh còn 4,3 ha (giảm 60,91%); Diện tích ươm nuôi giống thuỷ sản 66,9 ha giảm 5,77%. Số lồng bè còn 140 lồng, giảm 25,13%.
Về sản lượng: Ước sản lượng thu hoạch 6 tháng toàn Thành phố là 34.324 tấn, tăng 7,54% so với cùng kỳ. Sản lượng cá 33.749 tấn, tăng 7,66%. Tôm 106,2 tấn, giảm 3,32%.. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 32.689 tấn, tăng 7,98%, trong đó nuôi cá 32.672,2 tấn, tăng 7,98%; Sản lượng tôm 5,5 tấn, giảm 28,57%. Tình hình khai thác thuỷ sản cũng như mọi năm vẫn tiếp tục có xu hướng giảm. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản ước đạt 1.635 tấn, giảm 0,59% so với cùng kỳ.
6. Các vấn đề xã hội
6.1. Tình hình giáo dục:
Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 2.486 trường (tăng 52 trường so với năm học trước và chủ yếu là các trường ngoài công lập); Trong đó, 673 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 27%, tăng 127 trường so với năm học trước; 45.552 lớp học, 1,5 triệu học sinh và hơn 110 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 88.263 giáo viên các cấp học). Ngoài công lập có 405 cơ sở giáo dục với 7.381 nhóm, lớp học, 176.842 học sinh (chiếm 11% tổng số học sinh) và 16.577 giáo viên, cục thể là:
- Giáo dục Mầm non: Năm học 2012-2013, tỷ lệ trẻ em đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt 26,5% (tăng 0,5% so với năm học trước) và mẫu giáo đạt 90% (tăng 4% so với năm học trước). Toàn Thành phố Hà Nội hiện có 897 trường với 12.847 nhóm lớp, 368.715 cháu (tăng 24 trường và tăng 44.741 cháu so cùng kỳ năm trước), trong đó, công lập có 664 cơ sở, 9.284 nhóm lớp và 312.413 cháu.
- Giáo dục Tiểu học: Hiện có 687 trường (303 trường đạt chuẩn quốc gia), với 13.928 lớp, 492.604 học sinh. Trong đó: công lập 660 trường, 14.035 lớp và 506.978 học sinh, chiếm 97% tổng số học sinh cấp học và tăng 105% so với cùng kỳ năm trước). Công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi được duy trì với hiệu quả cao. Hiện nay, có hơn 500 trường tổ chức học 2 buổi/ngày, 280 trường bán trú có tổ chức ăn trưa. 485.351 học sinh được tổ chức học 2 buổi/ngày và trên 5 buổi/tuần (tăng 56.773 học sinh so cùng kỳ năm trước), đạt tỷ lệ 98,5%.
- Giáo dục Trung học cơ sở: Thành phố hiện có 585 trường (174 trường đạt chuẩn quốc gia) với 8.973 lớp và 322.667 (tăng 0,3% số học sinh so cùng kỳ năm trước), trong đó: công lập 585 trường, 8.665 lớp và 314.009 học sinh, chiếm 97% tổng số học sinh cấp học.
- Giáo dục Trung học phổ thông: có 201 trường (22 trường đạt chuẩn quốc gia) với 4.885 lớp và 206.472 học sinh (tăng 2 trường và giảm 0,4% số học sinh so với năm học trước), trong đó: công lập có 106 trường và 173.101 học sinh chiếm 83% tổng số học sinh cấp học.
- Giáo dục thường xuyên: Hiện có 31 trung tâm giáo dục thường xuyên, 6 trường BTVH thuộc cơ quan xí nghiệp và 577 trung tâm học tập cộng đồng tại các quận, huyện. Duy trì tốt công tác xoá mù chữ và phổ cập cấp Tiểu học và THCS đúng độ tuổi; Huy động được 1.137 lớp, 17.716 học viên, tuyển mới 6.018 học viên.
- Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp: Hà Nội hiện có 15 Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp đã làm tốt công tác dạy nghề và thi cấp chứng chỉ nghề cho học sinh THCS, học sinh THPT và học viên của các Trung tâm giáo dục thường xuyên.
- Tình hình tổ chức thi và tuyển sinh:
+ Kỳ thi tuyển sinh lớp 10: Có hơn 71 nghìn học sinh đăng ký thi vào các trường trung học phổ thông không chuyên và gần 7 nghìn học sinh đăng ký thi vào các trường THPT có lớp chuyên.
+ Kỳ thi tốt nghiệp lớp 12: Số học sinh dự thi 76.232 thí sinh, tăng 1% so số học sinh dự thi cùng kỳ năm trước (trong đó THPT có gần 72 nghìn thí sinh, giáo dục thường xuyên gần 5 nghìn thí sinh), với 3.214 phòng thi được bố trí 81 cụm thi và154 Hội đồng coi thi. Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ thi và tổ chức kỳ thi được quán triệt triển khai nghiêm túc. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp là 97,12% hệ trung học phổ thông và 74,59% với hệ bổ túc. So với kỳ thi tốt nghiệp năm học trước, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay ở cả hai hệ đều thấp.
- Tình hình đào tạo: Giáo dục chuyên nghiệp được quan tâm đầu tư và phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Năm 2013, Toàn Thành phố hiện có 266 trường và cơ sở đào tạo nghề, đào tạo 147.000 lượt học sinh. Ước 6 tháng, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và đào tạo cho 59.000 lượt người, đạt 40,1% kế hoạch.
Hiện nay, Thành phố đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Trung học chuyên nghiệp: Toàn thành phố có 58 trường đào tạo chuyên nghiệp với tổng số 102.437 học sinh và 3.384 giáo viên (trong đó: 44 trường do địa phương quản lý, với 45.109 học sinh). Có 87 trường đại học, cao đẳng (Bao gồm cả các trường thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường thuộc Bộ, Ngành; trong đó: 61 trường đại học và 26 trường cao đẳng) với 540.017 sinh viên đại học và 82.314 sinh viện hệ cao đẳng.
Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động và thị trường lao động.
6.2. Công tác y tế và an toàn thực phẩm:
- Công tác phòng chống dịch bệnh: Trong 6 tháng đầu năm 2013, có 8 trường hợp viêm phổi nặng nghi cúm A(H7N9, A(H5N1), điều tra, xử lý 2 ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Số mắc tay chân miệng 329 trường hợp giảm 8 lần so với cùng kỳ 2012, sốt xuất huyết Dengue 53 trường hợp giảm 62% so với cùng kỳ 2012.
- Công tác y tế cơ sở: Tổ chức thẩm định các xã đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia y tế đợt I năm 2013, với tổng số 184 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn. Hướng dẫn các đơn vị đăng ký xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã năm 2013; Đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đối với y tế cơ sở với phạm vi Trung tâm Y tế, Phòng khám đa khoa và các Trạm y tế xã/phường/thị trấn theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Xây dựng triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chủ đề “an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”. Tập trung kiểm tra các nhóm hàng thực phẩm phục vụ Tết, Lễ hội. Đưa tin bài, ảnh, phóng sự về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai các Thông tư mới về an toàn thực phẩm cho ban chỉ đạo VSATTP quận, huyện, thị xã, xã phường, thị trấn 29/29 quận, huyện.
- Hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc phục vụ người bệnh: Triển khai Đề án giảm tải Bệnh viện của Ngành, nâng cao chất lượng khoa khám bệnh, duy trì hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến. Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 110%.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng phục vụ tại các khoa khám bệnh, hoàn thiện quy trình khám bệnh hợp lý, áp dụng công nghệ thông tin trong các quy trình khám bệnh. Thực hiện có hiệu quả Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ luân phiên từ tuyến trên về tuyến dưới hỗ trợ chuyên môn.
- Công tác dược:Thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc, hóa chất vật tư tiêu hao 76 đơn vị. Tính đến nay trên địa bàn có 2.862 nhà thuốc, 973 quầy thuốc đạt tiêu chuẩn GPP; 821 địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GDP; Thành phố đã thẩm định 11 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GSP. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, hậu kiểm và thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra giám sát thị trường dược, mỹ phẩm. Hiện nay, liên ngành đang xem xét kê khai lại giá của 28 loại thuốc trên thị trường Hà Nội.
- Công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân: Tiếp tục đáp ứng nhu cầu cấp giấy chứng nhận hành nghề y dược tư nhân theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, hệ thống y tế ngoài công lập của thành phố Hà Nội là 7.340 cơ sở, phát triển mạnh ở cả 3 nhóm lĩnh vực, hành nghề dược tư nhân (4.721 cơ sở) và 2.619 cơ sở hành nghề y và YHVT tư nhân.
Trên địa bàn Thành phố có 31 bệnh viện tư nhân, trong 6 tháng đầu năm 2013 thêm 02 Bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động: Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội I với quy mô 10 giường bệnh và Bệnh viện chuyên khoa Ung bướu Hưng Việt với quy mô 41 giường bệnh.
6.3. Trật tự an toàn xã hội:
- Tháng Năm, đã phát hiện và xảy ra 545 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ tăng 19%; với số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 922 người, tăng 67%. Năm tháng đầu năm 2013, đã phát hiện và xảy ra 2316 vụ phạm pháp hình sự, tăng 54% so với cùng kỳ, với số đối tượng bị bắt giữ theo luật là 3644 người, tăng 99,6%.
- Có 76 vụ cờ bạc bị phát hiện trong tháng Năm năm 2013. Cộng dồn 5 tháng đã phát hiện 622 vụ cờ bạc, tăng 25,1% so cùng kỳ.
- Đã phát hiện 309 vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý trong tháng Năm năm 2013, giảm 16,9% so với cùng kỳ; với 354 đối tượng bị bắt, giảm 19,7%.
7. Tài chính - Tín dụng:
7.1. Tài chính: Tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến 6 tháng đầu năm 2013 đạt 62.635 tỷ đồng, đạt 38,8% dự toán năm, trong đó: thu nội địa (không kể dầu thô) là 52.098 tỷ đồng, đạt 35,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 4.837 tỷ đồng, đạt 41,4% dự toán; thu từ dầu thô là 5.700 tỷ đồng, đạt 123,9% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2013 là 23.735 tỷ đồng, đạt 40,9% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển là 8.695 tỷ đồng, đạt 36,4% dự toán; chi thường xuyên là 14.950 tỷ đồng, đạt 46,8% dự toán năm.
7.2. Tín dụng: Dự kiến đến cuối tháng Sáu năm 2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 948.350 tỷ đồng, tăng 5,7% so cuối năm 2012, trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 11,2%, tiền gửi thanh toán tăng 5,3%. Tổng dư nợ cho vay tháng Sáu năm 2013 đạt 663.908 tỷ đồng, tăng 1,7% so cuối năm 2012, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 2,3%.
7.3. Thị trường chứng khoán:
Thông tin về dự nợ tín dụng tăng, lãi suất cho vay giảm, tình hình kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định đã giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, các chỉ số chứng khoán đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng trong thời gian vừa qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6. Số lượng chứng khoán niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đạt 523 chứng khoán (trong đó có 388 chứng khoán niêm yết và 135 chứng khoán đăng ký giao dịch), với giá trị niêm yết đạt 106.390 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm (trong đó, CP niêm yết đạt 86.537 tỷ đồng, chiếm 81,3%, tăng 1,2% so với đầu năm; CP đăng ký giao dịch đạt 19.853 tỷ đồng, chiếm 18,7%, tăng 1,3% so với đầu năm). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 126.271 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm (trong đó: CP niêm yết đạt 98.227 tỷ đồng, chiếm 77,8%, tăng 13,5% so với đầu năm; CP đăng ký giao dịch đạt 28.043 tỷ đồng, chiếm 22,2%, bằng 97,1% so với đầu năm).
- Thị trường cổ phiếu niêm yết: Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6, chỉ số HNX- Index đạt 64,82 điểm, tăng 7,73 điểm tương ứng 13,54% so với đầu năm (chỉ số HNX30 đạt 123,57 điểm, tăng 15,8 điểm tương ứng 14,66% so với đầu năm).
Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 6. Khối lượng giao dịch đạt 510,1 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 4.498 tỷ đồng. Bình quân một phiên đạt 46,4 triệu CP với giá trị chuyển nhượng trung bình đạt 408,9 tỷ đồng tăng 3,6% về khối lượng và 15,1% về giá trị so với bình quân chung của tháng 5 (trong đó: giao dịch khớp lệnh đạt 480,2 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 4.072 tỷ đồng; giao dịch thoả thuận đạt 29,9 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 426 tỷ đồng).
Luỹ kế từ đầu năm, khối lượng giao dịch đạt 6.449 triệu CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 50.151 tỷ đồng, bằng 88,1% về khối lượng và 70,8% về giá trị so với cùng kỳ.
- Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom): Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/6 chỉ số Upcom-Index đạt 42,10 điểm, tăng 0,29 điểm tương ứng 0,69% so với đầu năm.
Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng 6, khối lượng giao dịch đạt 4,5 triệu CP với giá trị chuyển nhượng đạt 27,5 tỷ đồng. Bình quân một phiên đạt 404,9 nghìn CP được chuyển nhượng với giá trị đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 24,4% về khối lượng và 31,3% về giá trị so với bình quân chung của tháng 5.
Luỹ kế, khối lượng giao dịch đạt 32,3 triệu CP, bằng 29,7% so cùng kỳ và giá trị giao dịch đạt 194,9 tỷ đồng, bằng 5,7% so với cùng kỳ.
- Hoạt động thị trường trái phiếu: Ngày 6/6/2013, được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội. Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức hội nghị "Triển khai phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô giai đoạn 2013-2015". Hội nghị đã giới thiệu đến các thành viên thị trường trái phiếu về kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô theo Đề án đã được UBND Thành phố phê duyệt (đợt 1 được phát hành trong tháng 6/2013 và dự kiến huy động 1000 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền huy động được từ phát hành sẽ được chi cho 08 công trình, dự án trọng điểm đã được HĐND Thành phố thông qua.
Tính từ đầu năm đến ngày 17/6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức 116 phiên đấu thầu với khối lượng đăng ký tham gia đấu thầu đạt 315.168 tỷ đồng bằng 1,9 lần khối lượng gọi thầu. Khối lượng trúng thầu đạt 116.476 tỷ đồng bằng 68,9% khối lượng gọi thầu.
- Hoạt động cấp mã và tài khoản giao dịch: Tháng 5/2013, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp 82 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài (trong đó: 54 cá nhân, 28 tổ chức), đưa tổng số mã số đã cấp trong 5 tháng đầu năm đạt 319 mã số giao dịch. Luỹ kế, VSD đã cấp được 16.320 mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài (trong đó: 14.238 cá nhân, 2082 tổ chức).
Trong tháng 5/2013, số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới đạt 6.724 tài khoản (trong đó: cá nhân trong nước 6523; tổ chức trong nước 62; cá nhân nước ngoài 71; tổ chức nước ngoài 68) đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các nhà đầu tư lên gần 1.299 nghìn tài khoản./.

Website Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

    Tổng số lượt xem: 1491
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)