Tình trạng bất ổn kéo dài nhiều năm đã làm tê liệt nền kinh tế Afghanistan, khiến các doanh nghiệp khó phát triển và phần lớn dân số lâm vào cảnh bần cùng.
|
Phụ nữ và trẻ em sơ tán tại tỉnh Helmand, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Triển vọng tăng trưởng ảm đạm
Sau khi kinh tế Afghanistan suy giảm 2% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng Sáu dự báo GDP của nước này sẽ phục hồi và tăng 2,7% trong năm nay khi hoạt động thương mại được nối lại.
Song, diễn biến chính trị mới đây tại quốc gia này đã khiến triển vọng kinh tế trở nên bấp bênh. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch mới đây dự đoán kinh tế Afghanistan sẽ giảm mạnh, có thể lên tới 20%.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là dòng kiều hối và viện trợ quốc tế mà Afghanistan phụ thuộc có thể đối diện với triển vọng không chắc chắn.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối của nước này đạt 789 triệu USD trong năm 2020, tương đương 4% GDP.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, khoảng 2/3 dân số Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, với thu nhập chưa đến 1,9 USD/ngày.
Nguồn lực
Nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của đa số người dân Afghanistan và nông sản là mặt hàng xuất khẩu chính của nước này.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Afghanistan đã xuất khẩu 783 triệu USD hàng hóa vào năm 2020, giảm gần 10% so với năm 2019. Trái cây khô, các loại hạt và dược liệu chiếm phần lớn lượng hàng xuất khẩu, chủ yếu sang Ấn Độ và Pakistan. Nhưng việc nhập khẩu khối lượng lớn dầu mỏ, thực phẩm và máy móc đồng nghĩa với việc Afghanistan chịu mức thâm hụt thương mại lớn.
Theo một nghiên cứu của Lầu Năm Góc năm 2010, quốc gia này cũng có các mỏ khoáng sản như sắt, đồng, vàng và lithium, một kim loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất pin xe điện, với trị giá 1.000 tỷ USD.
Triển vọng khai thác có thể thu hút các cường quốc như Trung Quốc để đảm bảo nguồn lực cho việc thúc đẩy nền kinh tế xanh, song những khó khăn trong việc tiếp cận và thiếu cơ sở hạ tầng đã làm phức tạp thêm hoạt động khai thác.
Nợ thấp, rủi ro cao
Mặc dù là một trong những nước có mức nợ trên GDP thấp nhất thế giới, Afghanistan được đánh giá là có nguy cơ vỡ nợ cao, do phụ thuộc nhiều vào các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 càng làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ của hệ thống tài chính.
Để giúp Afghanistan phục hồi sau đại dịch, IMF đã phê duyệt khoản tín dụng 370 triệu USD cho nước này, sau khi các nhà tài trợ quốc tế cũng cam kết viện trợ dân sự 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngày 18/8 vừa qua, IMF thông báo sẽ giữ lại các khoản tài chính mà tổ chức này dành cho Afghanistan trong bối cảnh chưa có thông tin chắc chắn về bộ máy lãnh đạo mới ở Kabul.
Theo thông báo, Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tài chính của IMF, bao gồm một quyết định phân bổ mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
|
(Nguồn: thefrontierpost.com) |
Theo tính toán của IMF hồi tháng Sáu, nợ nước ngoài của Afghanistan dự kiến ở mức 1,7 tỷ USD trong năm 2021, tương đương khoảng 8,6% GDP.
Đáng lo ngại hơn, sự tiếp quản của Taliban có khả năng phá vỡ kế hoạch khởi động thị trường nợ của Afghanistan và khai thác các khoản tiết kiệm trong nước.
Tiền tệ và sức ép lạm phát
Đồng nội tệ afghani đã giảm gần 6% trong tuần này do lo ngại về sự khan hiếm đồng USD, trong khi dự trữ ngoại hối của Afghanistan ở Mỹ và IMF nằm ngoài tầm với của Taliban. Một vấn đề khác là lạm phát dự kiến sẽ gia tăng khi nhu cầu lương thực phục hồi trong khi sản lượng thu hoạch giảm.
IMF dự kiến mức tăng lạm phát trong năm 2021 là 5,8%, song sự suy yếu của đồng afghani và khả năng gián đoạn thương mại do tình trạng bất ổn có thể đẩy tỷ lệ lạm phát vượt quá giới hạn 8% mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB) đề ra.
Fitch cảnh báo đồng nội tệ có thể giảm sâu hơn nữa và không thể loại trừ khả năng xảy ra vòng xoáy siêu lạm phát./.