Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/09/2021-15:07:00 PM
Xuất khẩu vững mạnh, kinh tế Trung Quốc trút bớt gánh nặng
Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 19,3% trong tháng Bảy và vượt mức dự báo 17,1% trong cuộc khảo sát của Reuters.
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 22/6/2021.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Hoạt động xuất khẩu bất ngờ tăng cao hơn dự kiến trong tháng Tám nhờ nhu cầu toàn cầu vững chắc đã giúp giảm bớt một phần sức ép lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang nỗ lực vượt qua những “trận gió ngược” từ nhiều hướng.

Xuất khẩu vững mạnh

“Người khổng lồ” châu Á đã ghi nhận đà phục hồi ấn tượng sau sự sụt giảm do dịch COVID-19 gây ra, song động lực kinh tế đã suy yếu trong thời gian gần đây do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, giá nguyên liệu thô cao, sự giảm tốc trong hoạt động chế tạo, các biện pháp thắt chặt hơn để kiểm soát giá bất động sản và chiến dịch giảm khí thải.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố các số liệu cho thấy lĩnh vực xuất khẩu của nước này trong tháng 8/2021 đã tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 19,3% trong tháng Bảy và vượt mức dự báo 17,1% trong cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước đó.

Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại công ty tư vấn Oxford Economics (Anh), nhận định trong khi những khó khăn trong ngắn hạn vẫn còn, tình trạng thắt chặt nguồn cung tại Trung Quốc đã giảm bớt và đà phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc vào cuối năm nay và vào năm 2022.

Sheana Yue, trợ lý kinh tế tại công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế Capital Economics (Anh), cho biết nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất như đồ điện tử, đồ nội thất và các sản phẩm giải trí cho thấy các nhà bán lẻ tại các nền kinh tế tiên tiến đang bổ sung kho hàng của họ trước mùa mua sắm vào dịp lễ Giáng sinh.

Hơn nữa, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đã dịu bớt và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Tình trạng tắc nghẽn ở hai cảng container hàng đầu Trung Quốc là Thượng Hải và Ninh Ba đã trở nên tồi tệ sau khi nước này tạm thời đóng cửa một nhà ga của cảng biển Ninh Ba-Chu San do phát hiện một nhân viên mắc COVID-19.

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thịt và gia cầm tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 26/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Meng Xianglong, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Tín dụng & Thương mại Heji có trụ sở tại Ninh Ba, nhận định thời gian vận chuyển kéo dài đã khiến nhiều thùng hàng thành phẩm chất đống tại các nhà máy ở Trung Quốc – yếu tố có thể thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng tới.

Chuyên gia này cho rằng tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ kéo dài đến cuối năm hoặc thậm chí sang đầu năm sau khi đơn hàng cho một số nhà máy đã được đặt hết cho đến quý 1/2022.

Chông gai vẫn còn

Đằng sau những con số khả quan, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trên thực tế. Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã khiến Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trên phạm vi toàn quốc với chính sách hạn chế đi lại ở các mức độ khác nhau.

Trong tháng Tám, hoạt động chế tạo tại Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng trước, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo đứng ở mức 50,1 so với 50,4 trong tháng 7/2021.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với đà phục hồi tiêu dùng chậm chạp của Trung Quốc, chỉ số đánh giá hoạt động của ngành dịch vụ trong tháng Tám đã giảm mạnh lần đầu tiên kể từ mức đỉnh của đại dịch COVID-19 vào tháng 2/2020.

Theo NBS, chỉ số PMI cho lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng Tám là 47,5, giảm mạnh so với mức 53,3 của tháng Bảy.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên quy mô toàn cầu đã làm gia tăng sức ép đối với các nhà xuất khẩu. Hơn nữa, giá hàng hóa vẫn tăng cao bất chấp nỗ lực hạ nhiệt của Bắc Kinh.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) giữa tháng Tám cho biết nước này sẽ thi hành nhiều biện pháp nhằm ổn định hoạt động đầu tư vào chế tạo.

Bà Meng Wei, phát ngôn viên của NDRC, cho biết Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ đầu tư vào hoạt động chế tạo tiên tiến và cải thiện những kết nối còn yếu trong ngành này và chuỗi cung ứng.

Theo người phát ngôn này, Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp toàn diện để xoa dịu những áp lực khiến giá hàng giá gia tăng và tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp ở công đoạn giữa và cuối của quy trình sản xuất, đồng thời thực thi nhiều chính sách cắt giảm chi phí.

Để hỗ trợ nền kinh tế và giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng vào giữa tháng Bảy và "giải phóng" khoảng 1.000 tỷ NDT (154 tỷ USD) thanh khoản dài hạn. Nhiều nhà phân tích đang kỳ vọng một đợt cắt giảm nữa vào cuối năm nay./.

Trà My
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 714
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)