Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/09/2021-14:17:00 PM
Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Cam-pu-chia – Lào - Việt Nam
(MPI) - Ngày 23/9/2021 đã diễn ra Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Hội nghị.
Đoàn Đại biểu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Ảnh:Quochoi.vn

Với chủ đề tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì sự phát triển bền vững và ứng phó với khủng khoảng Covid-19 ở Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam, Hội nghị nhằm thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước và kết quả hợp tác giữa ba nước Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam trong ứng phó với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo khái quát kết quả thực hiện kế hoạch hợp tác phát triển và một số biện pháp ứng phó với khủng hoảng Covid-19 của phía Việt Nam trong khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (TGPT CLV).

Về lĩnh vực an ninh - đối ngoại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay các hoạt động đối ngoại phần lớn đã chuyển sang hình thức họp trực tuyến để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa mối quan hệ truyền thống và đoàn kết giữa ba nước. Về lĩnh vực kinh tế, kinh tế khu vực TGPT của Việt Nam đã có bước tăng trưởng tích cực. Trong thời gian qua, tính chung 05 tỉnh trong khu vực TGPT của Việt Nam, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.060 USD. Cơ cấu kinh tế khu vực TGPT của Việt Nam chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản đã giảm từ 40,7% năm 2015 còn 32,3% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 18,2% năm 2011 lên 26,3% năm 2020. Ngành dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2015 lên 41,4% năm 2020.

Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho giao thương trong khu vực; công tác quản lý nhà nước tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam – Cam-pu-chia đang từng bước được đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam- Cam-pu-chia đạt 6 tỷ USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 764,5 triệu USD tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện tại, 05 tỉnh thuộc khu vực TGPT của Việt Nam thu hút 274 dự án đầu tư trực tiếp từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 2,8 tỷ USD. Việt Nam đã đầu tư sang khu vực TGPT của Lào và Cam-pu-chia 117 dự án, trong đó có 49 dự án nằm trong khu vực TGPT thuộc Cam-pu-chia với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,638 tỷ USD và có 68 dự án đầu tư vào khu vực TGPT thuộc Lào với tổng vốn đầu tư Việt Nam là 1,97 tỉ USD.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng báo cáo về tình hình hợp tác của ba nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; nông, lâm nghiệp; du lịch; công nghiệp; giáo dục; y tế.

Về hợp tác của các địa phương, 5 tỉnh thuộc khu vực TGPT của Việt Nam gồm Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum trong thời gian qua đã tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác trong khu vực. Đảm bảo an ninh quốc phòng tuyến biên giới; thường xuyên trao đổi chuyên môn với các tỉnh Bạn; tăng cường giao thương, trao đổi hàng hóa qua lại biên giới; hỗ trợ các tỉnh đào tạo chuyên môn cho cán bộ, học sinh các lĩnh vực bạn có nhu cầu; tăng cường hợp tác trong bảo vệ môi trường và xã hội. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, các tỉnh biên giới của Việt Nam đã không ngừng quan tâm, giúp đỡ các tỉnh biên giới của bạn thông qua các hình thức như hỗ trợ các vật phẩm y tế chống dịch, hỗ trợ tiền cho bà con kiều bào, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Tại Việt Nam, biến chủng Delta đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất... là những nơi tập trung đông dân cư, người lao động và doanh nghiệp lớn, có vai trò quan trọng, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quan trọng để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi cả nước.

Với đặc trưng của Khu vực, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu các đề xuất tập trung vào một số nội dung để mang lại hiệu quả thiết thực. Thứ nhất, thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong cho bệnh nhân mắc Covid-19. Đẩy mạnh các hoạt mua vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, đào tạo, tập huấn bác sĩ, nhân viên y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thứ hai, các tỉnh biên giới thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch với phương châm “4 tại chỗ” là: Dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.

Phối hợp với các tỉnh giáp biên trong công tác kiểm soát, đảm bảo an ninh an toàn cho người, hàng hoá và phương tiện (hàng hóa, máy móc, thiết bị phục vụ triển khai các dự án được thông thương qua các cửa khẩu) qua lại biên giới; thực hiện khai báo và cách ly y tế, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19.

Thứ ba, ưu tiên ngân sách và các nguồn lực bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch. Thực hiện cắt giảm tối thiểu các chi phí không cần thiết, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thứ tư, duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thứ năm, chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Thứ sáu, tăng cường tìm kiếm nguồn vắc xin để tiêm cho toàn dân, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Hội nghị lần thứ 8 tập trung đánh giá kết quả thực hiện những khuyến nghị Tuyên bố chung tại Hội nghị lần thứ 7, trong đó có có những kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban điều phối chung khu vực Tam giác phát triển của 3 nước, các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong hiện triển khai, thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Điều phối chung của mỗi nước và của chính quyền các tỉnh trong Khu vực, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nước sẽ có xem xét, nhận định, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế. Từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền và các địa phương trong Khu vực có giải pháp khắc phục.

Kết quả của Hội nghị được thể hiện trong Tuyên bố chung của ba Ủy ban sẽ được gửi đến Ủy ban điều phối chung khu vực Tam giác phát triển và Chính phủ ba nước. Đây sẽ là những đề xuất, kiến nghị và những gợi ý cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện các thỏa thuận hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Ủy ban Đối ngoại ba nước nói riêng, giữa Quốc hội và giữa ba nước nói chung./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 838
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)