(MPI) – Chiều ngày 27/9/2021, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã tiếp ông Francisco Pichon Giám đốc mới của Văn phòng IFAD khu vực Mekong Hub (bao gồm Lào, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Mi-an-ma, Thái Lan) và Việt Nam đến chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương và ông Francisco Pichon tại buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương hoan nghênh ông Francisco Pichon đến Việt Nam và cho biết, Việt Nam ghi nhận sự đóng góp quý báu của các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có sự hỗ trợ hết sức ý nghĩ của IFAD đối với sự phát triển nói chung và đối với các lĩnh vực mà IFAD có thế mạnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực về phát triển hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong Chương trình hợp tác của giai đoạn tới, Việt Nam đánh giá cao sự tín nhiệm và tin cậy của IFAD, Chương trình đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với hỗ trợ về nguồn lực cho Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong muốn, ông Francisco Pichon với cương vị và nhiệm vụ mới tại Việt Nam sẽ có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về đất nước, kinh tế, văn hóa cũng như có những hỗ trợ đầy ý nghĩa giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với IFAD và giữa IFAD với Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, ông Francisco Pichon cảm ơn Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã dành thời tiếp Đoàn, đồng thời khẳng định, IFAD là đối tác luôn hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình làm việc tại Việt Nam. IFAD có nhiều năm kinh nghiệm trong hỗ trợ các hộ nông dân và các nhóm người dễ bị tổn thương, trong đó có nhóm người dân tộc thiểu số, thanh niên.
Trên tinh thần cố gắng hết sức để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chính sách về ODA mới, IFAD đang hợp tác với các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ khác để hỗ trợ cho các địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và huy động sự tham gia của các nhà tài trợ khác trong các khoản viện trợ không hoàn lại. IFAD cũng đang trong quá trình phê duyệt dự án phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là ví dụ điển hình cho việc kết hợp các nhà tài trợ và IFAD hi vọng trong năm 2021, Hội đồng quản trị của IFAD có thể phê duyệt dự án này.
Trong thời gian vừa qua, IFAD đóng hai vai trò, thứ nhất là vai trò của một tổ chức của Liên hợp quốc, thứ hai là vai trò của một tổ chức tài chính quốc tế đa phương. Do vậy, bên cạnh chức năng hỗ trợ về chính sách như việc đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của Việt Nam thì IFAD còn là một nhà tài trợ, một tổ chức tài chính. Đây là hai lĩnh vực mà IFAD sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình điều chỉnh và xây dựng các chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các gói đầu tư.
Bên cạnh các gói hỗ trợ phân bổ vốn 3 năm một lần với số vốn cố định thì IFAD vẫn có một cơ chế nữa là phía Chính phủ tùy theo tình hình có thể đề xuất nhận thêm vốn ngoài số vốn đã được cấp trong 3 năm, như vậy sẽ giúp Chính phủ chủ động hơn trong việc phân bổ nguồn vốn. IFAD đang hợp tác với các tổ chức quốc tế khác ở các vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam. Đây cũng là trong những nỗ lực của IFAD để đáp ứng nhu cầu của Chính phủ cũng như nhu cầu của các dự án.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Cảm ơn những chia sẻ của ông Francisco Pichon, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, môi trường thu hút ODA của Việt Nam đang và sẽ có sự thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn để phát huy hiệu quả nguồn lực ODA. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đang xem xét để thông qua nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có một số vướng mắc tiếp thu ý kiến của các nhà tài trợ sẽ tháo gỡ trong nghị định mới để rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính của dự án ODA cũng như phân cấp mạnh hơn cho các địa phương trong các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2030, trong đó có rất nhiều điểm mới, thay đổi về mặt cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp và có thêm kinh nghiệm quốc tế để vận hành hiệu quả hơn mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất vui mừng khi IFAD quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao hoạt động của IFAD tại Việt Nam và các nước trong thúc đẩy nguồn lực quốc tế, hợp tác đầu tư với các quốc gia và đối tác phát triển trong chuyển đổi khu vực nông thôn, giảm nghèo cho các nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo sinh kế thích ứng cho các hộ nông dân sản xuất trong khu vực và mong muốn có những buổi làm việc thường xuyên hơn, trao đổi những vấn đề chi tiết để thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với IFAD và giữa IFAD với Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư