(MPI) – Chiều ngày 08/10/2021, Thứ trưởng Trần Duy Đông làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp đỡ Thành phố những bước đầu xây dựng Đề án. Cần Thơ có vị trí địa lý nằm ở khu vực Trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm về các lĩnh vực y tế, giáo dục, một số hoạt động dịch vụ phân phối buôn bán tuy nhiên về công nghiệp chưa được phát triển mạnh do kết nối hạ tầng giao thông với các vùng xung quanh còn kém phát triển. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh bày tỏ mong muốn đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế thực sự của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ Công văn 91/TTLQH-PL ngày 10/8/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; căn cứ Công văn số 5610/VPCP-QHĐP ngày 14/8/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương; Thông báo số 88-TB/TU ngày 24/8/2021 của Thành ủy Cần Thơ về kết luận của Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy ngày 24/8/2021; Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Trên cơ sở xác định các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59-NQ/TW, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, phải phù hợp với các thông lệ quốc tế và đảm bảo tính khả thi, tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy, ý kiến của Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã cập nhật Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ về các lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân sách, cơ chế huy động các nguồn vốn, sử dụng quỹ dự trữ tài chính, quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tổ chức, bộ máy.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, sau khi nhận được Tờ trình 168/TTr-UBND ngày 31/8/2021 của Thành phố Cần Thơ, Bộ đã có công văn gửi cho 13 Bộ, ngành để xin ý kiến, đã nhận được góp ý của 8 Bộ, ngành. Liên quan tới cơ chế chính sách đặc thù, quan điểm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội đã rất rõ, vấn đề khác so với Luật hoặc chưa được quy định thì sẽ đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. Thứ hai, phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp. Thứ ba, cần thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ mà có thể phân cấp để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị, thành phố Cần Thơ cần tách riêng những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, tập trung vào Đề án trình Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ trình Quốc hội. Rà soát lại các nội dung, có thể mạnh dạn đề xuất phân cấp, phân quyền, có thể đưa thêm khu logistic tại sân bay Cần Thơ./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư