Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/10/2021-16:52:00 PM
Hội thảo tham vấn xác định ưu tiên đầu tư và tiếp cận nguồn lực tài chính Quỹ Khí hậu xanh (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 15/10/2021 đã diễn ra Hội thảo tham vấn xác định ưu tiên đầu tư và tiếp cận nguồn lực tài chính Quỹ Khí hậu xanh (GCF) theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, địa phương, đại diện các nhà tài trợ, đối tác phát triển tại Việt Nam tham dự tại các điểm cầu.
Vụ trưởngLê Việt Anh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh cho biết, Việt Nam đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm; là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức liên quan, được xây dựng bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Mục tiêu của Chiến lược là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Ông Lê Việt Anh cho biết, Việt Nam nỗ lực thực hiện đầy đủ cam kết, quy định áp dụng cho Việt Nam trong Thoả thuận Paris. Thách thức lớn nhất trong việc thực hiện các cam kết này là huy động các nguồn lực để thực hiện. Thực tế cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu mong muốn và huy động nguồn lực, phân bổ ngân sách còn rất lớn, dẫn đến nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ tăng cường hợp tác quốc tế huy động nguồn vốn tài chính khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao là Cơ quan đầu mối quốc gia tiếp cận Quỹ Khí hậu xanh - Green Climate Fund (GCF) nhằm vận động nguồn vốn tài trợ cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thời gian vừa qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của Quỹ GCF. Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã thu hút được 148 triệu USD cho 05 dự án viện trợ không hoàn lại. Tháng 8 năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển hoàn thành việc đóng góp 01 triệu USD cho Quỹ GCF, thực hiện cam kết và thể hiện trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, ngoài nỗ lực của ngân sách Chính phủ, nhu cầu về tài chính đầu tư cho biến đổi khí hậu từ các nước phát triển còn rất lớn. Thời gian tới, các cơ quan bộ, ngành, địa phương, đại diện các nhà tài trợ, đối tác phát triển cần chung tay để huy động thêm nguồn lực để đạt mục tiêu huy động được 100 tỷ USD/năm đầu tư cho biến đổi khí hậu như đã cam kết tại Paris năm 2015.

Hình ảnh tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, bà Diane McFadzien, Phụ trách vùng châu Á Thái Bình Dương, đại diện GCF chúc mừng Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối và huy động nguồn lực, thực hiện các dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đồng thời chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là Cơ quan thẩm quyền quốc gia về GCF, Bộ đã tham gia các hoạt động đối thoại và hợp tác với GCF về cấu trúc chính sách và cơ hội hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư phát triển ít phát thải.

Bà Diane McFadzien cho biết, Quỹ GCF được thành lập năm 2010 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP16) tại Cancun, Mê-hi-cô nhằm huy động các nguồn tài trợ cho đầu tư phát triển ít phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Bà Diane McFadzien cũng thông tin tổng quan về tình hình, kế hoạch huy động nguồn tài chính và hỗ trợ các bên; các loại hình dự án ưu tiên hỗ trợ, hợp tác trong thời gian tới; xác định tổ chức, đối tác hỗ trợ;…

Với mục tiêu chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tiếp cận, xây dựng đề xuất và thực hiện dự án tiếp cận nguồn tài chính của Quỹ GCF, Hội thảo đã nhận được những thông tin cập nhật về đề xuất tiếp cận của các cơ quan, tổ chức và xây dựng Danh mục định hướng tiếp cận Quỹ GCF cho giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ thông tin về các dự án Quỹ tài trợ cho Bộ. Các dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và hỗ trợ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan chủ quản, các bộ, ngành khác và UBND các tỉnh tham gia dự án là các đơn vị hưởng lợi khác. Các dự án được xây dựng trên những ưu tiên của Chính phủ, các ngành, các chính sách hiện hành và hỗ trợ cho thực hiện Thỏa thuận Paris. Các dự án về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phục hồi rừng ven biển, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu cho các nông hộ dễ bị tổn thương. Thúc đẩy các hợp tác giữa các chương trình, dự án và liên kết với khu vực tư nhân các cách tiếp cận dựa vào cộng đồng.

Từ điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Cường thông tin về đặc điểm, tình hình, điều kiện tự nhiên của Tỉnh và cho biết, Thừa Thiên Huế là 1 trong 5 địa phương được dự báo bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam; thường xuyên chịu tác động của thiên tai, chịu tổn thất lớn về người và của. Trong thời gian tới, Tỉnh mong muốn được tham gia trong chương trình của Quỹ. Theo đó, Tỉnh đã đề xuất với Quỹ các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc 31 xã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với mục tiêu góp phần thực hiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực, tăng cường kiến thức và nhận thức về vấn đề môi trường, khí hậu; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng một số công trình quy mô nhỏ nhằm tăng cường bảo vệ và tăng cường khả năng chống chịu; nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh;…

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành như Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng phát triển Việt Nam; các địa phương, tổ chức UNDP, IFAD, JICA,… các tổ chức được Quỹ GCF công nhận tại Việt Nam đã có những chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án được Quỹ tài trợ; đưa ra các dự án đề xuất trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để các bên cập nhật các thông tin về Quỹ GCF, trao đổi kinh nghiệm, rà soát, đánh giá các cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính khí hậu của Quỹ, từ đó xác định lộ trình triển khai tiếp theo để có thể huy động và quản lý tốt hơn cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2195
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)