(MPI) - Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho các tỉnh, thành phố nhằm thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, tạo điều kiện để bứt phá, phát triển nhanh, nhất là các địa phương thuộc trung tâm của vùng.
|
Toàn cảnh Phiên họp Tổ 6 gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp và Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.vn |
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: ưu tiên cho vấn đề liên kết vùng và phát triển vùng, ưu tiên cho các cực tăng trưởng, các vùng kinh tế trọng điểm. Do vậy, các Nghị quyết được ban hành cũng là để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các tỉnh này.
Việc xây dựng các Nghị quyết theo nguyên tắc là phải đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật, ngân sách nhà nước cũng như các quy định của Quốc hội đã áp dụng cho các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; phân cấp, tạo quyền cho địa phương nhằm tăng nguồn thu ngân sách, nguồn vốn cho địa phương để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ đồng tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề khi được trao cơ chế, chính sách đặc thù thì điều quan trọng là các địa phương phải nghiên cứu kỹ để tận dụng, phát huy, bứt phá, làm nhiệm vụ đầu tàu lôi kéo. Đây là chương trình thí điểm trong thời hạn 5 năm, sau đó tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung các cơ chế mà các địa phương cần.
Ngoài việc bổ sung các cơ chế, chính sách còn cần phải quan tâm làm sao hài hòa được với các địa phương khác và không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước; trong tổ chức thực hiện phải phát huy được hết các cơ chế, chính sách, đóng góp thêm cho tăng trưởng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ cùng các địa phương, theo dõi để xem các cơ chế, chính sách đã phát huy được hiệu quả và đánh giá xem đã đạt được mục đích cũng như ý nghĩa của Nghị quyết.
Về các cơ chế chính sách cụ thể, các bộ, ngành đã rà soát kỹ theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc đề ra; Các Ủy ban của Quốc hội và Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét cho ý kiến từng chính sách, mức độ khác nhau của từng địa phương.
Bộ trưởng cũng làm rõ vấn đề về chuyển đất rừng; chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Hiện nay chưa có các đề án cụ thể để tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở một số vùng có tính chất đặc thù, làm mẫu điển hình, nhân rộng, mô hình nông nghiệp nông thôn hiện đại, phát triển theo xu thế mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ quan điểm thống nhất với nội dung Chính phủ trình và các vấn đề đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách; thể hiện tư tưởng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên phát triển các vùng động lực, tạo bước phát triển vượt bậc. Những nội dung này rất phù hợp về cơ sở chính trị, pháp lý; cơ sở thực tiễn, nhu cầu của sự phát triển và có tính khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, bên cạnh việc quan tâm các vùng nghèo, tỉnh khó khăn thông qua các chương trình đã và đang được quan tâm thực hiện như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững còn ưu tiên phát triển các vùng động lực nhằm tạo bước phát triển vượt bậc thông qua việc Trung ương dành cho họ một số nguồn lực cao hơn trước đây; tạo cơ chế thông thoáng để phát huy sức mạnh của địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến nội dung đặc thù về tổ chức bộ máy. Đây là yếu tố này rất quan trọng liên quan đến vấn đề nhân sự, con người.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận Tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế; thể hiện sự cần thiết ban hành các Nghị quyết và điều này có sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn và tính khả thi.
Các đại biểu đã trao đổi, làm rõ các cơ chế chính sách được quy định trong các dự thảo Nghị quyết và đưa ra kiến nghị với Chính phủ, địa phương sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết trong việc hướng dẫn các địa phương tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển; cụ thể hóa bằng các Nghị định hướng dẫn, thể hiện tinh thần phát triển bao trùm. Các địa phương cần nhanh chóng triển khai vì thời hạn triển khai là 5 năm.
Các đại biểu bày tỏ tin tưởng với các cơ chế, chính sách đặc thù này, sau khi được ban hành, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế sẽ có động lực bứt phá, cơ sở phát triển mạnh mẽ, đột phá trong thời gian tới, xứng đáng với kỳ vọng của Quốc hội./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư