1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng mười diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi cho cây trồng; nắng nóng kéo dài nên một số diện tích đất đã không chủ động được nước tưới, một số diện tích cây trồng không đạt kế hoạch ban đầu. Các địa phương trong tỉnh tập trung chăm sóc, thu hoạch rau màu vụ Mùa và sản xuất cây trồng vụ Đông 2021; trong chăn nuôi tuy đang có dấu hiệu dần phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn còn chậm; tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.
1.1. Sản xuất nông nghiệp
- Trồng trọt: Sản xuất trồng trọt trong tháng 10/2021 chủ yếu tập trung chăm sóc, thu hoạch rau màu vụ Mùa và sản xuất cây trồng vụ Đông 2021.
+ Kết quả sản xuất vụ Mùa: Sản xuất vụ Mùa 2021 diễn ra trong tình hình thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nên một số diện tích đất không chủ động được nước tưới. Tuy người dân đã chủ động gieo trồng đúng lịch thời vụ nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên một số diện tích cây trồng không đạt kế hoạch ban đầu. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng hàng năm vụ Mùa 2021 ước tính đạt 1.308 ha, bằng 98,08% (giảm 25 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tình hình sản xuất vụ Mùa hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, Bên cạnh đó, vụ Mùa hàng năm không phải là vụ sản xuất chính mà chủ yếu với mục đích sản xuất để làm sạch đất, tránh tình trạng mầm bệnh ủ trong đất gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân. Vì vậy người dân chưa mặn mà trong việc đầu từ vào sản xuất
+ Tiến độ sản xuất vụ Đông 2021: Hiện nay, bà con nông dân đang tích cực gieo trồng các loại cây vụ Đông 2021. Ước tính đến ngày 15/10/2021, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt được như sau: Diện tích ngô lấy hạt 655 ha/3.726 ha, đạt 17,6%; khoai lang 326 ha/1.480 ha, đạt 22%; rau các loại 1.788 ha/4.558 ha, đạt 39,2%. Thời gian này trên địa bàn Hà Tĩnh đang có mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8 nên cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất các loại cây trồng vụ Đông 2021.
+ Tình hình sâu bệnh và thiệt hại: Mặc dù hiện nay sâu bệnh có xuất hiện gây hại trên diện tích một số loại cây trồng nhưng với mức độ ảnh hưởng còn nhẹ. Nhận định tình hình thời tiết năm nay, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh từ nay đến hết năm 2021 có khoảng 2-4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; tháng 11-12 nhiệt độ khu vực Bắc Trung bộ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,50C; không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11, hoạt động mạnh hơn trong tháng 12/2021 và tháng 01/2022; mùa mưa có khả năng kết thúc muộn, tổng lượng mưa tháng 10/2021 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-50%. Vì vậy, sản xuất vụ Đông 2021 đang đứng trước nguy cơ rủi ro lớn do các yếu tố thời tiết bất thuận và diễn biến phức tạp của các đối tượng dịch hại cây trồng.
- Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh trong tháng 10 năm 2021 vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Đàn bò, lợn tuy đang có dấu hiệu dần phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn còn chậm. Tổng đàn bò hiện có ước giảm 2,5% và đàn lợn giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ lợn hơi ra địa bàn ngoài tỉnh gặp khó khăn, trong khi giá lợn hơi lại đang xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay với mức giao động từ 40-43 ngàn đồng/kg, giảm hơn 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước, trong khi các chi phí chăn nuôi không giảm nên các trang trại chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để chuẩn bị đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán sắp tới nên các hộ vẫn duy trì và phát triển đàn vật nuôi. Thời gian tới, bên cạnh nguy cơ dịch bệnh thì diễn biến phức tạp của thiên tai, lũ lụt cũng luôn là những khó khăn thách thức đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính từ đầu năm đến ngày 17/10/2021, một số dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi, cụ thể như sau: Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 128 xã, thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã với tổng số lợn mắc bệnh là 15.212 con, trong đó có 14.145 con chết, tiêu hủy với trọng lượng 1.136,9 tấn. Đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 16 xã thuộc 7 huyện, thành phố (Hương Khê, Lộc Hà, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh) đang có các ổ dịch chưa qua 21 ngày kể từ con lợn bị tiêu hủy cuối cùng; dịch LMLM gia súc đã xảy ra tại 05 xã, thuộc 03 huyện (Lộc Hà, Hương Khê, Đức Thọ), làm cho 396 con gia súc mắc bệnh, hiện nay dịch đã qua 21 ngày; dịch bệnh viêm da, nổi cục trên đàn trâu, bò đã xẩy ra tại 208 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh làm 17.686 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 2.949 con bị chết, hiện nay dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã được dập tắt; dịch Cúm gia cầm (H5N6) xảy ra tại 2 xã thuộc huyện Thạch Hà làm 9.720 con gia cầm mắc bệnh bị tiêu hủy và dịch cúm gia cầm H5N8 xảy ra tại 01 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên làm 3.147 con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Hiện nay, các ổ dịch cúm gia cầm đã qua 21 ngày. Tuy dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Kết quả tiêm phòng đợt I năm 2021 tính đến ngày 15/10/2021: Tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò 129.536 liều, đạt 83,4% kế hoạch; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò đạt 125.700 liều, đạt 83,6% kế hoạch; dịch tả lợn 145.111 liều, đạt 68,2% kế hoạch; tụ huyết trùng lợn 144.0853 liều, đạt 69,6% kế hoạch; tiêm phòng dại cho chó 136.733 liều, đạt 98,5% kế hoạch và tiêm phòng dịch cúm gia cầm 1,056 triệu liều, đạt 35,5% kế hoạch.
Lâm nghiệp
Trong tháng 10/2021, kết quả sản xuất lâm nghiệp giảm hơn so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2020 thì diện tích rừng trồng tập trung tháng 10/2021 giảm 4,05% (giảm 71 ha) và sản lượng gỗ khai thác tăng 4,25% (tăng 2.326 m3); so với tháng trước thì diện tích rừng trồng tập trung giảm 6,81% (giảm 123 ha) và sản lượng gỗ khai thác cũng giảm 4,46% (giảm 3.299 m3). Nguyên nhân do trong tháng 10/2021 trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa lớn bởi ảnh hưởng của bão số 8 nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp gặp khó khăn hơn. Thời gian tới, khi bước vào mùa bão lũ thì cũng là thời điểm mà các chủ rừng sản xuất sẽ thu hoạch các sản phẩm để tránh thiệt hại. Cùng với đó, các chính sách phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện một cách linh hoạt hơn, các doanh nghiệp chế biến lâm sản tăng lượng cầu nguyên liệu nên sản lượng gỗ khai thác dự kiến sẽ tăng hơn.
Trong tháng không xẩy ra cháy rừng mà chỉ xẩy ra 3 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 0,793 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 3 vụ cháy rừng (giảm 7 vụ), với diện tích rừng bị cháy là 1,23 ha (giảm 57,57 ha) và 34 vụ phá rừng (giảm 12 vụ), với diện tích rừng bị phá là 11,266 ha (giảm 10,938 ha) so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thủy sản
Kết quả sản xuất thủy sản tháng 10/2021 giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy hải sản ước tính tháng 10/2021 giảm 86 tấn, trong đó sản lượng khai thác giảm 33 tấn và sản lượng nuôi trồng giảm 53 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do trong tháng 10/2021 bị ảnh hưởng bởi bão số 7 và số 8 trên biển nên tàu thuyền hạn chế ra khơi đánh bắt hải sản. Mặt khác, sản phẩm nuôi trồng cũng đã được thu hoạch từ những tháng trước để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra nên sản lượng nuôi trồng cũng giảm mạnh. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy hải sản khai thác và nuôi trồng ước tính chỉ tăng nhẹ 1,51% (tăng 702 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Cũng như các hoạt động kinh tế khác, năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 làm cho giá bán sản phẩm thủy sản giảm mạnh, nhất là đối với sản phẩm tôm nuôi nên người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, chi phí nhiên liệu, nhân công tăng trong khi năng lực sản xuất không tăng là những hạn chế trong phát triển sản xuất thủy sản. Những tháng tới, khi điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt có thể xẩy ra bất thường nên hoạt động sản xuất thủy sản sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là đối với hoạt động khai thác biển.
Dịch bệnh trên tôm nuôi: Tính từ ngày 15/9 đến ngày 15/10/2021, bệnh đốm trắng xảy ra tại 3 xã ở thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Thạch Hà, với diện tích nhiễm bệnh là 3,89 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2021, bệnh đốm trắng đã xảy ra tại 16 xã, thuộc 7 huyện, thành phố, thị xã (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh), với diện tích nhiễm bệnh là 45,04 ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 2 xã thuộc huyện Thạch Hà và 01 xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, với diện tích nhiễm bệnh là 4,02 ha. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát không để lây lan.
2. Sản xuất công nghiệp
Tính đến tháng 10 năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh ghi nhận mức tăng khá. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép để tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh 10 tháng năm 2021 ước tăng 15,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế đóng góp lớn điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của ngành.
- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chính thức tháng 9 năm 2021 tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 5,18%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,03%; sản xuất và phân phối điện giảm 44,33%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,39%.
- Ước tháng 10/2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 9/2021 tăng 8,08% và tăng 6,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 6,77% so với tháng trước và tăng 5,39% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,07% so với tháng trước và tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,08% so với tháng trước và giảm 17,21% so cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,28% so với tháng trước và tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.
- Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 15,28% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,53%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,55%, đóng góp 16,48 điểm phần trăm (là ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,61%, làm giảm 1,12 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,4%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành.
Là doanh nghiệp đóng góp quan trọng cho kinh tế Hà Tĩnh, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cũng đã siết chặt công tác phòng dịch, thực hiện phương án “3 tại chỗ” để ổn định sản xuất. Trong 10 tháng, sản lượng thép ước đạt 4,5 triệu tấn, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện tại, FHS đang hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng khu gia công phụ trợ với số vốn 80 triệu USD.
3. Đầu tư
Trong tháng 10 vừa qua tình hình thời tiết khá thuận lợi, Dich Covid-19 được khống chế, đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh; một số dự án và công trình được đẩy nhanh tiến độ; các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, thẩm định hồ sơ. Bên cạnh đó, bám sát dự án, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo đúng tiến độ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Mặt khác, cùng kỳ năm trước, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, địa bàn Hà Tĩnh ngập úng trên diện rộng. Một số huyện ngập sâu trong nhiều ngày, do đó các công trình thi công trên địa bàn tạm dừng thi công. Vì vậy tổng vốn đầu tư thực hiện tháng 10/2021 tăng 22,01% so với tháng trước và tăng 140,32% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10/2021 ước đạt 861,57 tỷ đồng, tăng 22,01% so với tháng trước và tăng 140,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 675,3 tỷ đồng, tăng 24,46% so với tháng trước và tăng 178,37% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 111,6 tỷ đồng, tăng 14,21% so với tháng trước và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 74,66 tỷ đồng, tăng 13,44% so với tháng trước và tăng 9,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.875,49 tỷ đồng, tăng 30,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh 3.691,85 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 75,72% trong tổng vốn, tăng 53,21% so với cùng kỳ; nguồn vốn ngân sách huyện và ngân sách xã chiếm 24,28% chủ yếu là nguồn vốn thu từ quỹ sử dụng đất, so với cùng kỳ năm trước nguồn vốn ngân sách huyện và ngân sách xã lần lượt tăng 77,37% và 16,29%.
4. Thương mại, dịch vụ
Tháng 10 năm 2021, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ đang có những dấu hiệu khởi sắc sau thời gian dài gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Ngày 22/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6255/UBND-VX1 về việc cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ như: Dạy học và ăn bán trú đối với bậc mầm non; dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, các tuyến xe buýt nội tỉnh và dịch vụ cắt tóc gội đầu bắt đầu được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 23/9/2021. Cùng với đó, Quyết định tạm dừng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, và Chỉ thị 19 trên toàn quốc cũng ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thương mại, dịch vụ toàn tỉnh.
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: nhìn chung, thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn thời gian qua tiếp tục có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10/2021 đạt 3.162,37 tỷ đồng, tăng 1,48% so với tháng trước và giảm 16,35% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn tăng mạnh so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm chiếm 46,71% tăng 3,47%; xăng dầu các loại chiếm 9,94% tăng 4,62%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm 9,01% tăng 3,60%, nhóm hàng may mặc tuy chiếm tỷ trọng không cao 4,2% nhưng có mức tăng cao nhất 10,76% trong các nhóm mặt hàng. Nguyên nhân do tháng vừa qua các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài gia đình hoạt động trở lại mạnh mẽ, và sự tăng giá nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt các loại. Bên cạnh đó, có 4/12 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước, giảm sâu nhất ở nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) với 13,04%, do chưa có nhiều mẫu xe mới mở bán và tâm lý người dân có xu hướng chờ đợi dịp cận Tết mới mua sắm các loại phương tiện giao thông.
Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 34.272,39 tỷ đồng, tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, một số nhóm có mức tăng khá như: hàng may mặc tăng 16,49%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,32%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 27,01%; xăng dầu các loại tăng 20,27%; nhiên liệu khác tăng 38,59%; đá quý, kim loại quý các loại tăng 29,45%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 12,36% so với cùng kỳ năm trước. Ben cạnh những mặt hàng có mức tăng cao thì một số mặt hàng hóa bán lẽ trong 10 tháng vẫn chưa có nhiều khởi sắc; luân chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhất là giữa các địa phương xuất hiện dịch bệnh Covid-19; nhóm hàng lương thực thực phẩm chiếm vị trị chủ đạo giảm 1,78% so với cùng kỳ.
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 10/2021 ước đạt 229,67 tỷ đồng, tăng 142,86% so với tháng trước, giảm 40,99% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác tháng 10/2021 ước tính đạt 81,89 tỷ đồng, tăng 8,15% so với tháng trước và giảm 43,39% so với cùng kỳ năm trước. Với những quy định nới lỏng hơn trong quy định phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh nhà hàng, ăn uống, lưu trú cũng hoạt động dần ổn định, cùng với dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tăng nhu cầu ăn uống ngoài gia đình. Mặc dù nới lỏng các hoạt động nhưng chính quyền vẫn khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và chấp hành 5K, đó là lý do khiến cho hoạt động của các đơn vị kinh doanh lữ hành vẫn tạm ngừng hoạt động, không phát sinh doanh thu.
Tính chung 10 tháng năm 2021, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 3.015,49 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ khác dự ước đạt 1.153,90 tỷ đồng, giảm 7,83%. Mặc dù hoạt động dịch vụ tháng 10 hoạt động trở lại nhưng nhìn chung 10 tháng cũng như cả năm 2021 sẽ khó phục hồi doanh thu so với năm trước.
4.2. Hoạt động vận tải
- Vận tải hành khách: tháng 10/2021, UBND tỉnh đã cho hoạt động thí điểm các tuyến xe khách, xe buýt liên tỉnh, nhu cầu đi lại tăng hơn. Vận tải hành khách tháng 10/2021 ước đạt 32,18 tỷ đồng, tăng 274,84% so với tháng trước và giảm 75,83% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 474,2 nghìn HK, tăng 353,49% so với tháng trước; luân chuyển ước đạt 70.367,1 nghìn HK.km, tăng 480,7% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 749,64 tỷ đồng, giảm 37,03%; số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 10.675,6 nghìn HK, giảm 35,3% và luân chuyển đạt 1.766.585,8 nghìn HK.km, giảm 40,1%.
- Vận tải hàng hóa: Do ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 so với vận tải hành khách, cùng với nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp Tết đã bắt đầu. Tháng 10/2021 ước đạt 217,13 tỷ đồng, tăng 9,07% so với tháng trước và giảm 10,32% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 2.446,3 nghìn tấn, tăng 7,44% so với tháng trước; luân chuyển ước đạt 58.858,4 nghìn tấn.km, tăng 4,98% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng ước đạt 2.190,82 tỷ đồng, giảm 7,63%; khối lượng vận chuyển ước đạt 24.247,7 nghìn tấn, giảm 8,34% và luân chuyển ước đạt 609.327,8 nghìn tấn.km, giảm 10,97%.
- Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Ước tính tháng 10/2021 đạt 54,64 tỷ đồng, tăng 8,68% so với tháng trước và giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Chung 10 tháng ước đạt 698,86 tỷ đồng, tăng 16,36% so với cùng kỳ năm trước.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bằng các giải pháp linh hoạt vừa phòng dịch, vừa ổn định sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tháng 10 và 10 tháng năm 2021 duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
- Kim ngạch xuất khẩu: tháng 10/2021 ước đạt 213,5 triệu USD, giảm 3,74% so với tháng trước và tăng 68,22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: thép, phôi thép ước đạt 193,4 triệu USD giảm 4,17% so với tháng trước, tăng 146,72 so với cùng kỳ năm trước; sợi, dệt và hàng may mặc đạt 1,5 triệu USD tăng 3,45 % so với tháng trước, tăng 219,15% so với cùng kỳ; dăm gỗ đạt 3 triệu USD giảm 2,91% so với tháng trước, giảm 13,04% so với cùng kỳ.
Cộng dồn 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.740,5 triệu USD, tăng 84,49 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu từ Formosa chiếm tỷ trọng cao (chiếm 92,2%) trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Bên cạnh các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: thép, may, sợi dệt, dăm gỗ…thì gạo là mặt hàng xuất khẩu duy nhất có kim ngạch giảm 59,37% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian vừa qua thị trường truyền thống giảm tiêu thụ, khâu vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, chi phí logistics tăng cao… bên cạnh đó giá gạo của Việt Nam cao hơn so với các nước xuất khẩu khác. Tuy nhiên trong thời gian tới vơi việc nới lỏng các quy định giãn cách, cùng với nhu cầu từ các nước nhập khẩu gạo truyền thống bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Đây sẽ là một trong những tín hiệu tích cực giúp cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có triển vọng tốt.
- Kim ngạch nhập khẩu: tháng 10/2021 ước đạt 298 triệu USD, tăng 10,13% so với trước và tăng 76,61% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa. Cộng dồn 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.883 triệu USD, tăng 76,5 % so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm khi mà Hiệp định tự do thương mại (FTA) đang dần được thực thi hiệu quả hơn…tạo điều kiện để hàng hóa của Hà Tĩnh thâm nhập vào các thị trường các nước với thuế quan ưu đãi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Hà Tĩnh sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua đã làm sức sản xuất hàng hóa giảm khiến nguồn cung ứng một số nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng mười và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó giá thịt lợn hơi và giá mặt hàng thủy sản giảm mạnh so với tháng trước là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm so với tháng trước.
CPI tháng 10 năm 2021 giảm 0,83% so với tháng trước, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực thành thị giảm 0,5% so với tháng trước, tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có: 05 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước: may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,49%; giao thông tăng 1,63%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,1%. 03 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,8%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,68%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. 03 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước gồm: đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.
Một số yếu tố chính tác động đến sự biến động của chỉ số giá tháng 10 năm 2021 là: (1) yếu tố thời tiết chuyển mùa, nền nhiệt giảm mạnh khiến nhu cầu các nhóm hàng may mặc, đồ dùng gia đình, điện, nước sinh hoạt có sự thay đổi; (2) giá nhiên liệu xăng dầu tăng theo sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến chỉ số nhóm giao thông và chi phí trung gian các nhóm hàng hóa khác, tác động vào giá bán lẻ chung trên thị trường; (3) dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua đã làm sức sản xuất hàng hóa giảm khiến nguồn cung ứng một số nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng.
Chỉ số giá vàng giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 3,07% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,26% so với tháng trước, giảm 0,11% so với cùng tháng năm trước. Thị trường giá vàng 9999 trong tháng tăng nhẹ so tháng trước. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.165 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la mỹ bình quân 2.318.549 đồng/100 USD.
Tính chung CPI 10 tháng đầu năm 2021, chỉ số chung 101,51% (tăng 1,51%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 2,07%; nông thôn tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 11/2021 tăng hơn so tháng 10/2021. Giá gạo và thịt gia súc có thể tăng trở lại, khi nguồn cung ứng được điều tiết ổn định hơn. Bên cạnh đó, giá các nhóm hàng may mặc, hàng điện tử, đồ dùng gia đình tiếp tục tăng khi nhiệt độ thời tiết dự kiến giảm mạnh trong thời gian tới. Trong khi giá điện, nước sinh hoạt tiếp tục giảm.
6. Các vấn đề xã hội
6.1. Công tác an sinh xã hội
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực của người dân, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được đảm bảo; các chế độ, chính sách cho đối tượng Bảo trợ xã hội, trẻ em, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, nhằm góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động thích ứng với trạng thái bình thường mới duy trì sản xuất, kinh doanh, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP. Theo đó, tính đến ngày 20/10/2021, Hà Tĩnh có 50.514 lượt đối tượng của 9/12 nhóm chính sách đã phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng số tiền 22.964 triệu đồng, gồm: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (47.719 đối tượng, tổng số tiền 14.552 triệu đồng); tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (26 đối tượng, 142 triệu đồng); hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (677 đối tượng, 2.649 triệu đồng); hỗ trợ người lao động ngừng việc (499 đối tượng, 829 triệu đồng); hỗ trợ bổ sung và trẻ em (483 đối tượng; tổng số tiền 483 triệu đồng); hỗ trợ tiền ăn đối với F0, F1 (875 đối tượng, 882 triệu đồng); hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch (31 đối tượng, 115 triệu đồng); hỗ trợ hộ kinh doanh (198 đối tượng, 594 triệu đồng); hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất (6 đối tượng, 2.719 triệu đồng). Trong đó, số đã được chi trả hỗ trợ 48.374 lượt đối tượng với số tiền 18.215 triệu đồng.
6.2. Giáo dục
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trao quyền chủ động cho các phòng GD&ĐT, các nhà trường, địa phương. Theo đó, các đơn vị căn cứ tình hình mưa bão trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn cho các em; tuyên truyền các bậc phụ huynh quan tâm nhắc nhở, quản lý con em trong thời gian nghỉ học. Tùy vào tình hình thực tế, các trường học chủ động kế hoạch và thời gian để đón học sinh trở lại đồng thời linh hoạt chương trình, kế hoạch dạy bù. Trong tháng do ảnh hưởng của cơn bão số 8 ngày 14/10/2021 hơn 42 ngàn học sinh tại 107 trường học từ mầm non đến THCS thuộc 2 huyện Hương Sơn và Nghi Xuân đã phải nghỉ học. Ngày 18/10/2021 dự báo tình hình thời tiết phức tạp, các hồ đập xả tràn gần 22.500 học sinh tại 53 trường học ở Hà Tĩnh đã nghỉ học.
6.3. Hoạt động Y tế
- Tình hình dịch Covid-19: Thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đánh giá và xác định cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh ở cấp độ 2- nguy cơ trung bình và ban hành Công văn số 6993/UBND-VX1 về việc quy định áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát dịch trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 20/10/2021 theo đó các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ được mở cửa hoạt động trở lại (trừ quán bar, vũ trường) và phải tuân thủ đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Tính từ 10/7/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 41 ca cộng đồng, 325 ca F0 từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,...về đã được cách ly ngay. Tổng số ca mắc cộng dồn từ 04/6/2021 đến 18h ngày 20/10/2021 là 508 ca (trong đó có 8 trường hợp nhập cảnh, ngoại tỉnh); 13 địa phương có ca dương tính gồm: Thành phố: 51, Hương Sơn: 42, Thạch Hà: 64, Lộc Hà: 52, Hồng Lĩnh: 21, Nghi Xuân: 13; Huyện Kỳ Anh: 33; Hương Khê: 42, Đức Thọ: 28, Can Lộc 89, Cẩm Xuyên 44, Vũ Quang 9, TX Kỳ Anh 12.
Tình hình điều trị ca bệnh dương tính: Tính đến ngày 20/10/2021 điều trị khỏi 460 bệnh nhân (BN) trong đó tại Hà Tĩnh 397 BN, Chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 63 BN; có 5 BN tử vong. Kết quả truy vết xét nghiệm: cộng dồn F1 từ 4/6 đến ngày 20/10/2021 là 4.763 trường hợp, đã hoàn thành cách ly: 4.624 trường hợp; F2 là 27.292 trường hợp.
Rà soát, quản lý người đến/về từ vùng dịch tính đến ngày 20/10/2021: Người đến/về từ các vùng dịch đang cách ly, theo dõi là 24.859 người: TPHCM 6.937 người, Bình Dương 9.917 người, Đồng Nai 4.874 người, Hà Nội 2.115 người, từ một số các tỉnh khác là 1.016 người. Trong đó, số hiện đang cách ly tập trung 2.262 người。
- Tình hình dịch bệnh khác: Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện các ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 2 ca mắc bệnh quai bị, 12 ca mắc lỵ trực trùng; 72 ca mắc lỵ a míp; 7 ca mắc bệnh thủy đậu, 974 ca mắc bệnh cúm, 185 ca tiêu chảy, 11 ca viêm gan vi rút khác, các ca bệnh khác không phát sinh. So với cùng kỳ năm trước: Sốt xuất huyết giảm 14 ca, giảm 6 ca viêm gan siêu vi trùng, số ca mắc bệnh quai bị không đổi, giảm 2 ca mắc bệnh lỵ trực trùng, tăng 40 ca mắc bệnh lỵ amíp, tăng 7 ca mắc bệnh thủy đậu, giảm 1.134 ca mắc cúm và giảm 5 ca bệnh chân tay miệng.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 theo Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong thời gian qua, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch HIV/AIDS bằng nhiều hình thức. Đến nay, đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức thấp. Tính từ 16/9-15/10/2021 Hà Tĩnh có 8 người nhiễm mới HIV (tăng 3 người so với cùng kỳ năm 2020), 9 người chuyển thành AIDS (tăng 2 người so với cùng kỳ năm trước) và không có người chết vì AIDS (giảm 2 ca so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 10 tháng, có 43 trường hợp nhiễm HIV (giảm 23 trường hợp so với cùng kỳ năm trước), 41 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (giảm 24 trường hợp) và có 2 trường hợp chết vì AIDS (giảm 4 trường hợp).
- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Tính từ ngày 16/9- 15/10/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra vụ ngộ độc tập thể, có 83 ca độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc. So với cùng kỳ năm trước: số vụ ngộ độc tập thể không đổi, số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 22 ca (giảm 20,95%), số ca tử vong không thay đổi. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021 (từ 16/12/2020-15/10/2021), toàn tỉnh đã xẩy ra 3 vụ ngộ độc tập thể, làm 53 người bị ngộ độc tập thể, không có người chết vì ngộ độc tập thể, ngoài ra còn 1006 ca ngộ độc đơn lẻ. So với cùng kỳ năm trước, tăng 3 vụ ngộc độc, tăng 53 người ngộ độc tập thể; số ca ngộ độc đơn lẻ tăng 63 ca.
6.4. Hoạt động văn hóa - thể thao
- Hoạt động văn hóa: Trong tháng, Hà Tĩnh tổ chức lễ Dâng hương tưởng niệm 201 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những giá trị mà Danh nhân văn hóa thế giới để lại cho dân tộc, cho nhân loại. Lễ dâng hương diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp nên nghi lễ được tổ chức gọn nhẹ, đảm bảo theo đúng phong tục truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công một xã hội học tập mới”.
- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong tháng, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tổ chức 6 cuộc thanh tra, kiểm tra văn hóa. Thực hiện cấp 43 giấy phép, trong đó có 36 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch; 7 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở.
- Hoạt động thể thao: Để phòng chống dịch Covid -19 cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng trong thời gian vừa qua đang tạm dừng tổ chức các giải đấu thể thao có tập trung đông người. Các hoạt động thể thao trong tháng chủ yếu là các hoạt động thể dục, thể thao với quy mô nhỏ nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, và tuân thủ đúng và đầy đủ các biện pháp khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Dự kiến trong thời gian tới với quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ, hoạt động thể thao trong cộng đồng và các giải thi đấu thành tích cao trở lại hoạt động hiệu quả trong điều kiện "bình thường mới".
6.5. Tai nạn giao thông
Tính từ ngày 15/9/2021 đến ngày 14/10/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 11 vụ tai nạn đường bộ, làm chết 8 người, bị thương 9 người, thiệt hại tài sản 70 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ, tăng 01 người chết, tăng 04 người bị thương.
Cộng dồn từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/10/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 89 vụ tai nạn giao thông đường bộ (giảm 7 vụ so với cùng kỳ), làm chết 76 người (giảm 9 người) và bị thương 35 người (giảm 7 người). Như vậy tính chung 10 tháng đầu năm 2021 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2020.
6.6. Thiệt hại thiên tai
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão, tỉnh Hà Tĩnh với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ". Công tác khắc phục, tái thiết sau bão, lũ luôn được tỉnh chú trọng và tập trung cao với phương châm "không để người dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân”.
Tính từ ngày 18/9/2021 đến ngày 18/10/2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 3 vụ thiên tai (ngày 21/9 xảy ra sét đánh huyện Nghi Xuân; ngày 26-26/9/2021 xẩy ra mưa lớn huyện Hương Sơn; ngày 15-18/9/2021 xảy ra 1 đợt mưa lớn kéo dài) làm 1 người chết, 1 người bị thương, 01 con trâu chết, 75 nhà dân bị hư hại, một số tuyến đường giao thông bị ngập từ 0,5-0,8m, có 288 ha rau củ quả; 77,7 ha ngô, khoai vụ Đông; 60 ha lúa mùa; 4.200m2 dưa lưới và hoa cúc; 6 ha sắn bị ngập; 2 ha nuôi tôm; 4 ha cá nước ngọt bị ngập với tổng thiệt hại ước tính 395 triệu đồng.
6.7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
- Tình hình cháy, nổ: Tính từ ngày 15/9/2021 đến ngày 14/10/2021, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 13 vụ cháy, không có người chết và bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 117 triệu đồng; So với cùng kỳ năm trước, tăng 5 vụ cháy, số người chết và bị người không đổi. Tính chung 10 tháng năm 2021, xẩy ra 53 vụ cháy, nổ làm 3 người chết và 2 người bị thương, với tổng giá trị thiệt hại ước tính 2.653 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 7 vụ cháy, nổ; giảm 2 người bị thương; số người chết không đổi. Nguyên nhân chủ yếu do chập điện và bất cẩn khi sử dụng lửa.
- Công tác bảo vệ môi trường: Tính từ ngày 15/9 đến ngày 14/10/2021, Hà Tĩnh đã phát hiện 14 vụ, xử lý 9 vụ, tổng số tiền xử phạt 78 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2020: Số vụ đã phát hiện tăng 9 vụ, số vụ đã xử lý tăng 5 vụ, số tiền xử phạt tăng 41,5 triệu đồng. Các lĩnh vực vi phạm trong tháng bao gồm: Vận chuyển, chôn, đổ, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phát hiện 8 vụ, xử lý 4 vụ với tổng số tiền xử phạt 61,5 triệu; Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường phát hiện 4 vụ và xử lý 2 vụ, với tổng số tiền xử phạt 2 triệu đồng; còn lại là vi phạm khác 2 vụ về sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản, phát hiện 2 vụ, xử lý 3 vụ (trong đó có 01 vụ phát hiện tháng trước), với tổng số tiền là 14,5 triệu đồng. Tính chung 10 tháng năm 2021, đã phát hiện 129 vụ (tăng 95 vụ so với cùng kỳ) và xử lý 96 vụ (tăng 64 vụ) vi phạm môi trường, với số tiền 1299,85 triệu đồng. Các vụ vi phạm chủ yếu là hoạt động khai thác đất, cát trái phép; xử lý các trang trại chăn nuôi lợn, gà không đảm bảo vệ sinh môi trường và sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng mười và 10 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.