Ủy ban châu Âu (EC) dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 5%, thay vì 4,8% như dự báo trước đó và đây cũng là mức dự báo đối với tất cả 27 nước thành viên của khối.
|
Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 11/11, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khối này trong năm nay, nhận định nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn vững chắc bất chấp giá năng lượng tăng cao, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và làn sóng mới dịch COVID-19.
Ủy ban châu Âu (EC) dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 5%, thay vì 4,8% như dự báo trước đó, và đây cũng là mức dự báo đối với tất cả 27 nước thành viên của khối.
EC cũng dự báo tăng trưởng trong năm tới và 2023 lần lượt là 4,5% và 2,4%. EC nhấn mạnh các dự báo mới nhất có phần không chắc chắn do những mối nguy liên quan tới dịch COVID-19 có thể làm chệch hướng triển vọng lạc quan hiện nay.
EC cũng dự báo tỷ lệ lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh 2,6% trong năm nay trước khi giảm nhẹ vào năm tới. Điều quan trọng là EC đã dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu vào năm 2023, ủng hộ lập trường của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rằng đà tăng giá tiêu dùng hiện nay sẽ hạ nhiệt.
Theo EC, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao gần đây một phần do việc các nền kinh tế tái mở cửa sau đại dịch COVID-19 và hiện tượng này chỉ mang tính chất tạm thời.
Trao đổi với báo giới, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cảnh báo “Đà phục hồi tiếp tục phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch, cả trong lẫn ngoài EU."
Về vấn đề lạm phát, ông Gentiloni chỉ ra những dấu hiệu trên thị trường khí đốt cho thấy giá năng lượng đã qua đỉnh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dự báo "là một công việc khó khăn trong thời điểm này vì vậy chúng ta nên theo dõi tình hình."
EC cũng dự báo mức nợ công ở Italy, Pháp, Bỉ, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ duy trì trên 100% GDP cho đến năm 2023. Đây sẽ là điểm nhạy cảm về mặt chính trị giữa các quốc gia thành viên phía Bắc sau khi EU tháng trước bắt tay vào cải cách các quy định ngân sách, trong đó giới hạn nợ công ở mức 60% GDP.
EC đưa ra dự báo tăng trưởng hằng quý và tài liệu này được sử dụng làm tiêu chuẩn để cơ quan này giám sát các nền kinh tế thành viên, trong đó có chi tiêu của chính phủ./.
Phương Oanh
TTXVN/Vietnam+