(MPI) – Ngày 24/11/2021, tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi Tọa đàm với các nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản. Chia sẻ tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, Chính phủ sẽ định hướng, dẫn dắt quá trình này để huy động hợp tác công - tư, lấy người dân là trung tâm, chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Tham gia buổi Tọa đàm, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Về phía Nhật Bản có Lãnh đạo các tập đoàn, công nghệ hàng đầu của Nhật Bản.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết,Ông đặc biệt quan tâm tới nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số ở bình diện quốc gia, sẵn sàng đối thoại một cách cởi mở với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, lắng nghe các ý kiến, giải đáp những thắc mắc về chính sách của Việt Nam. Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng và thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cùng với ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới, đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn ở nhiều quốc gia. Chuyển đổi số tác động tới mọi quốc gia, là vấn đề toàn cầu nên cách tiếp cận phải toàn cầu, tác động tới mọi người dân nên cần cách tiếp cận toàn dân. Cùng với đó, Việt Nam tiến hành chuyển đổi số theo cách tiếp cận tổng thể, liên thông và đẩy mạnh hợp tác công - tư. Việt Nam đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể.
|
Đại diện các tập đoàn lớn của Nhật Bản phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đây là việc rất quan trọng, bất cứ sự chuyển đổi nào cũng đòi hỏi thể chế phù hợp.
Cùng với đó, Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số... “Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công - tư trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, cần dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Dành nguồn lực tài chính phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số; đầu tư về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số. “Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”, Thủ tướng nói.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn |
Chia sẻ tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tới năm 2025, có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình và tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số. Hiện nay, Việt Nam rất cần các công nghệ dựa trên nền tảng số để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, vì vậy các tập đoàn có trình độ công nghệ cao, có nhiều kinh nghiệm đi trước về chuyển đổi số có thể hỗ trợ Chương trình để cung cấp các dịch vụ đầu vào cho các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam. Đồng thời, cung cấp các nguồn lực để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số ở cả đầu vào và đầu ra.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong 10 năm, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 12%, nhưng chỉ trong 3 tháng diễn ra dịch COVID-19, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 24%. Trong năm 2020, thương mại điện tử của Việt Nam tăng 16%, quy mô trên 14 tỷ đô la, năm 2021 Việt Nam có khoảng 80% học sinh, thầy cô giáo dạy và học trực tuyến, tỷ lệ này của Việt Nam cao hơn tỷ lệ trung bình của các nước OECD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, một đặc điểm của tài nguyên dữ liệu là càng nhiều người dùng càng sinh ra dữ liệu, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển dữ liệu, đạt mục tiêu lọt vào tốp 50 quốc gia về phát triển dữ liệu mở vào năm 2025, tốp 30 vào năm 2030. Chính phủ có nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Về nhân lực, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin và trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần 2-2,5 triệu lao động cho lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các chính sách đào tạo như thí điểm triển khai các trường đại học số với sự trợ giúp của AI, đào tạo trực tuyến với chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư