(MPI) - Ngày 02/12/2021, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại một số sự kiện quan trọng trong tháng 11/2021 và cho biết, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng. Chính phủ và các cơ quan liên quan tích cực hoàn thành việc xây dựng dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch Covid-19.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 và cho biết, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh sau khi mở cửa trở lại.
Tình hình doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hướng nặng nề của dịch bệnh như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Cân đối ngân sách nhà nước bảo đảm. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Qua đó, rà soát, xác định 368 dự án đầu tư kinh doanh lớn, có ý nghĩa quan trọng, gặp khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, giải quyết.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; nền kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng trở lại; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, tính chung 11 tháng, do tác động của dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đời sống người dân, người lao động còn khó khăn. Dịch bệnh có chiều hướng phức tạp với biến thể mới, nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng. Điều này yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có phương án chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; đồng thời, kiên định, quyết tâm, quán triệt nghiêm quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong năm 2021, tạo nền tảng, động lực phục hồi và phát triển vững chắc từ năm 2022.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong tháng cuối năm 2021, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 của Chính phủ; thực hiện nghiêm, nhất quán Nghị quyết 128/NQ-CP, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phú, hướng dẫn của Bộ Y tế, triển khai các giái pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”.
Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như tập trung, ưu tiên toàn lực cho phòng, chống dịch bệnh gắn với mở cửa lại nền kinh tế, trong đó tập trung hoàn thiện, ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; dự báo, xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực ứng phó với dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất, không để bị động, bất ngờ.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 105/NQ-CP, miễn, giảm thuế, phí theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP.
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững. Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI; hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc của 06 Tổ công tác theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là về công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, các nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 12/2021; đồng thời chuẩn bị một số nội dung cho Hội nghị Chính phủ với địa phương trong tháng 12/2021, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư