(MPI) - Ngày 28/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đã ký ban hành Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
|
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII diễn ra ngày 05/7/2021. Ảnh: dangcongsan.vn |
Theo Quy định, nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng là kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên phải thường xuyên tự kiểm tra; Tổ chức đảng cấp trên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền.
Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục.
Tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ.
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng được quy định tại Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải tuân thủ nhằm bảo đảm việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên được thống nhất, chặt chẽ, công minh, chính xác, kịp thời.
Về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng (chương II), quy định nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, triển khai, quán triệt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác kiểm tra, giám sát; Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới xây dựng phương hướng, nhiệm vụ; phân công cấp ủy viên, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo, đôn đốc cấp ủy cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát; Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản biện; Ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc các cơ quan liên quan.
Nghe báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; giải quyết kiến nghị của tổ chức đảng cấp dưới; định kỳ sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra, về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra; chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Đề xuất với cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Quy định cũng nêu rõ các nội dung về các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; Các ban cán sự đảng, đảng đoàn; Chi bộ; Ủy ban kiểm tra các cấp.
Về nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng (chương III), quy định nêu rõ: Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.
Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Nếu hết thời hiệu thì không xem xét, xử lý kỷ luật.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Khi các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải chủ động thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể.
Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu phát hiện có vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức; nếu có vi phạm khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định.
Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xóa tên trong danh sách đảng viên.
Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng. Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Tại chương này cũng quy định các nội dung về hình thức kỷ luật của Đảng; Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng vi phạm; Trình tự xem xét, quyết định thi hành kỷ luật; Kỷ luật cách chức đối với đảng viên; Trình tự, thủ tục, cách thức bỏ phiếu thi hành kỷ luật; Hiệu lực quyết định kỷ luật; Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật; Về kỷ luật giải tán tổ chức đảng.
Về giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên (Chương IV), trong đó quy định các nội dung liên quan đến thẩm quyền giải quyết tố cáo; Nguyên tắc giải quyết tố cáo; Nội dung tố cáo phải giải quyết.
Quy định cũng có 01 chương quy định về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng (chương V), trong đó quy định về thẩm quyền, trách nhiệm; Nguyên tắc khiếu nại và giải quyết khiếu nại; Phạm vi, đối tượng giải quyết khiếu nại; Thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật; Thời gian khiếu nại, thời gian giải quyết khiếu nại và thời gian chuyển đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết; Trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành.
Chương VI quy định các nội dung về đình chỉ sinh hoạt đảng, bao gồm trường hợp bị đình chỉ sinh hoạt đảng; Thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt đảng; Thủ tục đình chỉ sinh hoạt đảng; Thời hạn đình chỉ sinh hoạt, hoạt động; Việc quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy và tổ chức đảng trở lại hoạt động; Thủ tục ra quyết định trở lại sinh hoạt, hoạt động./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư