Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18/12 nhận định kinh tế của Indonesia sẽ tiếp tục giữ đà phát triển tích cực trong năm tới, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn.
Theo báo cáo quý của WB dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của Indonesia đạt 6,1% và sẽ cải thiện hơn trong năm 2013, ̣ ước đạt 6,3%, thấp hơn mức dự báo 6,6% mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố. Tiêu dùng nội địa và đầu tư tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng vai trò là hai động lực lớn của nền kinh tế.
Theo báo cáo nói trên, vốn đầu tư hiện chiếm khoảng 1/3 tổng lượng tiêu dùng đối với các loại hàng hóa và dịch vụ của Indonesia.
Trong chín tháng đầu năm nay, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã thu hút được 164.200 tỷ rupiah (Rp), tương đương 17,2 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và có khả năng đạt mục tiêu 206.800 tỷ Rp cho cả năm 2012.
Riêng giá trị vốn FDI rót vào Indonesia trong quý 3 năm nay đã tăng lên mức kỷ lục 56.600 tỷ Rp, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu tại Indonesia không ngừng mở rộng, hiện chiếm hơn 60% trong tổng số 240 triệu dân, sẽ tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư và đảm bảo sức tiêu thụ lớn.
Nhận định của WB về nền kinh tế đất nước vạn đảo phù hợp với đánh giá của Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia (BPS).
Kết quả thống kê mà BPS đưa ra mới đây cho thấy, FDI hiện chiếm khoảng 71% tổng vốn đầu tư tại Indonesia. Sức tiêu dùng trong nước cùng với đầu tư trực tiếp từ trong và ngoài nước đóng góp rất lớn cho mức tăng trưởng kinh tế 6,17% của Indonesia trong quý 3 vừa qua.
Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức đặt ra cho các nền kinh tế khu vực nói chung và Indonesia nói riêng.
Giám đốc quốc gia của WB tại Indonesia Stefan Koeberle nhấn mạnh “đây không phải là thời điểm để thỏa mãn, bởi triển vọng kinh tế thế giới vẫn sẽ khá bất ổn và dễ bị tổn thương.”
Ông Koeberle cho rằng kết cục của vấn đề “vách đá tài chính” tại Mỹ, diễn biến tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cùng với sự suy giảm kinh tế tại Trung Quốc cũng có thể tác động tiêu cực đến bức tranh kinh tế của các nước, chưa kể đến sự biến động trái chiều của tình hình đầu tư và giá cả hàng hóa trên phạm vi toàn cầu thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, nhà kinh tế trưởng của WB, đồng thời là chuyên gia tư vấn kinh tế cho Indonesia Ndiamé Diop khuyến cáo, bên cạnh việc phát huy lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, chính phủ Indonesia cần có một chính sách khung mạnh, bởi đây là “chìa khóa tạo sự thuận lợi và niềm tin để các nhà đầu tư tiếp tục thúc đẩy kinh doanh trong tương lai.”
Theo chuyên gia này, tiến tới cuộc bầu cử tổng thống Indonesia vào năm 2014, các chính sách kinh doanh và đầu tư sẽ được tập trung chú ý hơn. Việc tiếp tục cải thiện môi trường chính sách-pháp luật và giới thiệu tốt các chương trình cải cách mới là những bước đi quan trọng có thể hỗ trợ triển vọng đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài ra, WB cũng khuyến cáo Chính phủ Indonesia về sự cần thiết phải tăng cường hiệu quả của dịch vụ công, y tế, giáo dục, thu hẹp khoảng cách và nhịp độ phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương./.