(MPI) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn: MPI |
Theo đó, Thông tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch Quốc gia (Quy hoạch) và các kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội (Kế hoạch) ở các cấp được quy định tại Điều 16, Luật Phòng, chống thiên tai.
Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch được thực hiện theo hướng dẫn kết hợp đa mục tiêu để tăng tính thích ứng với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai và không làm phát sinh nguy cơ, rủi ro mới ở trước mắt cũng như lâu dài. Quy hoạch, Kế hoạch có nội dung phòng, chống thiên tai và được lồng ghép, xây dựng phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm phát triển bền vững; góp phần phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các biện pháp phòng, chống thiên tai sử dụng lồng ghép vào Quy hoạch, Kế hoạch do các Bộ, ngành và địa phương chủ động đánh giá, lựa chọn từ Kế hoạch phòng, chống thiên tai cùng cấp, Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương trình, đề án, dự án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy trình thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch bao gồm 04 bước. Thứ nhất, xây dựng quan điểm, định hướng lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch. Quan điểm, định hướng là cơ sở để đơn vị chủ trì thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch. Quan điểm, định hướng cần thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, định hướng lựa chọn biện pháp phòng, chống thiên tai sử dụng để lồng ghép vào Kế hoạch.
Thứ hai, lựa chọn biện pháp phòng, chống thiên tai để lồng ghép vào Kế hoạch. Thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế; phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân của biện pháp phòng, chống thiên tai dạng công trình. Lựa chọn các biện pháp ưu tiên để lồng ghép vào Kế hoạch.
Thứ ba, định hướng lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch. Các biện pháp công trình đã được lựa chọn được lồng ghép vào nhiệm vụ thúc đẩy phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật,… được thể hiện rõ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Các biện pháp phi công trình là xây dựng cơ chế, chính sách, kiện toàn tổ chức, bộ máy và tăng cường năng lực; nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng về phòng, chống thiên tai lồng ghép vào nhiệm vụ tuyên truyền tổ chức thực hiện Kế hoạch;… Thứ tư, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai Quy hoạch, kế hoạch.
Nguồn vốn thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống thiên tai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và các quy định khác của pháp luật.
Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 10/02/2022 và thay thế Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/06/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.
Thông tư nêu rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định quan điểm, định hướng và nội dung phòng, chống thiên tai cần lồng ghép vào Quy hoạch, Kế hoạch khi xây dựng dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn, hằng năm và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.
Các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức thực hiện lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, Kế hoạch phát triển ngành thuộc thẩm quyền quản lý. Ủy ban nhân dân các cấp bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được giao quản lý, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để tổ chức và thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch của địa phương./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư