(MPI) - Ngày 06/01/2022, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo về Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến chủ trì buổi họp báo.
Phát biểu tại Họp báo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, năm 2021 cùng với chính sách thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để khôi phục kinh tế, thị trường lao động quý IV bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý IV/2021 tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, diễn biến phức tạp và kéo dài của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, lực lượng lao động, số người có việc làm giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với năm 2020.
|
Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Phạm Hoài Nam trình bày Báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021. Ảnh: MPI |
Trình bày Báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Phạm Hoài Nam cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý IV năm 2021 là 50,7 triệu người tăng khoảng 1,7 triệu người so với quý III/2021 và giảm 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV/2021 là 67,7% tăng 2,1 điểm phần trăm so với quý III/2021 và giảm 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2021 là 49,1 triệu người tăng 1,82 triệu người so với quý III/2021 và giảm 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV/2021 là 5,3 triệu đồng tăng 139 nghìn đồng so với quý III/2021 và giảm 624 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2021 là hơn 1,6 triệu người giảm 113,1 nghìn người so với quý III/2021 và tăng 369,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung cả năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 50,5 triệu người giảm 791,6 nghìn người so với năm 2020. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người chiếm 36,8%; lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7% giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm 2020. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49,0 triệu người giảm 1,0 triệu người so với năm 2020.
Trong năm 2021, tình hình dịch kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Trong năm có hơn 1,4 triệu người thiếu việc làm trong độ tuổi, tăng 370,8 nghìn người so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10% tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người tăng 203,7 nghìn người so với năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm 2020.
Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.
|
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: MPI |
Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm, Tổng cục Thống kê cho biết, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường lao động nói riêng đang từng bước phục hồi. Tuy vậy, thị trường lao động vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn thử thách.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có đại dịch. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn ở mức cao. Tỷ lệ thanh niên không làm việc không tham gia học tập đào tạo vẫn chưa giảm nhiều. Thu nhập của người lao động vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ và các cấp, các ngành nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau: một là, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ, tiêm bổ sung mũi thứ 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao, người có bệnh nền và đội ngũ tuyến đầu chống dịch, quan tâm việc tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động trực tiếp, lao động tiềm năng, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời hướng dẫn, vận động người dân thực hiện 5K và các biện pháp khác để thích ứng an toàn trong đại dịch Covid-19.
Hai là, triển khai kịp thời và hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Ba là, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động các chiến lược phát triển kinh tế; các chính sách hỗ trợ và thu hút lao động; các kế hoạch và quy định về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.
Bốn là, nghiên cứu các chính sách tài khóa phù hợp để kích cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp và người dân không hoang mang, đồng thời không chủ quan vì dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Đối với người lao động, phải có sự đổi mới tư duy và hành động trong việc tìm kiếm việc làm và tham gia làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình, nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng có hiệu quả; vừa có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư