(MPI) - Chiều ngày 11/01/2022, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Ảnh:Quochoi.vn |
Về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, đa số ý kiến đồng ý với quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu. Một số ý kiến tham gia đề nghị cần xem xét lại tên gọi của Nghị quyết, bổ sung nội dung “hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch bệnh” hoặc “trong đại dịch COVID-19”. Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tên gọi của dự thảo Nghị quyết đã bao hàm các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc phạm vi của Chương trình. Ngoài ra, Chương trình về phòng, chống dịch COVID-19 đang được xây dựng và sẽ được Chính phủ ban hành trong thời gian tới, do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số quan điểm; bổ sung mục tiêu “phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả” và các mục tiêu, chỉ tiêu có thể lượng hóa, đo đếm được; đánh giá rõ hơn tác động của Chương trình; xây dựng các kịch bản về lạm phát, nợ xấu và các giải pháp dự phòng rủi ro đã được UBTVQH tiếp thu, giao Chính phủ trong điều hành, theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu...
Về các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, về chính sách miễn, giảm thuế: Bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như: “công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”; sửa đổi, bổ sung nội dung: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam “cho kỳ tính thuế năm 2022”.
Về chính sách chi đầu tư, phát triển: Đã sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các nội dung về y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đồng thời đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình.
Về chính sách tài khóa khác: Đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động “có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm”; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay “thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Về chính sách tiền tệ: Đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn”; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, “trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế”.
Về chính sách khác: Đã bổ sung nội dung: “Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đã giải trình các nội dung về: mức giảm thuế GTGT 2% còn thấp, đề nghị giảm ở mức 3%; giảm từ 2-5% thuế GTGT đối với một số mặt hàng. Mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT là phù hợp nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và bảo đảm trong điều kiện hỗ trợ của NSNN, do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm; quy định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, mục đích hỗ trợ, cơ chế kiểm soát, điều kiện thụ hưởng trong Nghị quyết. UBTVQH cho rằng, mức hỗ trợ lãi suất được xác định trên cơ sở mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân trên thị trường (mức chênh lệch hiện tại khoảng 4%), do vậy mức hỗ trợ lãi suất 2% là phù hợp với khả năng của NSNN, tránh được tình trạng trục lợi chính sách; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất được giao cho Chính phủ thực hiện.
Có ý kiến đề nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất...; đồng thời Nghị quyết đã giao Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.
Giải trình về lý do tăng vốn điều lệ, mức tăng vốn điều lệ và thời gian cụ thể áp dụng tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ưu tiên đầu tư hạ tầng khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; các tỉnh phía Nam; bố trí vốn cho các một số tuyến đường cao tốc, quốc lộ trên địa bàn một số địa phương; bổ sung nội dung tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, lấy dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 làm thí điểm...
Về áp dụng một số cơ chế đặc thù, một số ý kiến đề nghị cần nêu rõ tiêu chí lựa chọn chỉ định thầu, tránh phát sinh tiêu cực, tránh tình trạng xin cho; đề nghị trường hợp được áp dụng thì phải xác định rõ dự án cụ thể, để tháo gỡ khó khăn, triển khai Chương trình đạt hiệu quả nhưng bảo đảm chặt chẽ và gắn với trách nhiệm triển khai, UBTVQH xin tiếp thu và sửa đổi theo hướng cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với một số gói thầu (tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây lắp) của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình.
Về kiến đề nghị không nên quy định thủ tục cấp phép rút gọn; đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP, Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ để rút ngắn thời gian khai thác mỏ khoảng sản, Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP được Chính phủ ban hành đã xử lý được một số vướng mắc của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nhưng chưa triệt để. Để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, UBTVQH xin tiếp thu, sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép chỉ áp dụng cơ chế này đối với các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình trong 2 năm 2022-2023. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc khai thác không tràn lan, không để ảnh hưởng đến môi trường, tránh gian lận, thất thoát, trục lợi.
Các ý kiến đề nghị quan tâm phân cấp, phân quyền, ủy quyền, không nên tập trung vào 1 đơn vị sẽ gây quá tải, chậm trễ hoặc chỉ thực hiện phân cấp theo phương án giảm 01 cấp so với quy định trong trường hợp cần thiết. Có ý kiến đề nghị không áp dụng đối với Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; mức độ điều chỉnh, phân bổ linh hoạt; bảo đảm nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình theo quy định của pháp luật hiện hành đối với những nội dung thuộc thẩm quyền; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách và giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa trong cải cách thể chế; cắt, giảm thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp... cũng được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phát biểu, giải trình và cho biết thêm, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu ý kiến sửa đổi về câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư