(MPI) - Ngày 18/01/2022, Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
|
Hình ảnh Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng họp trực tuyến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên và 52 nhiệm vụ cụ thể.
Về quan điểm chỉ đạo của Đề án, thứ nhất, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Thứ hai, dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ tư, người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thứ năm, dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội.
Thứ sáu, việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số.
Thứ bảy, việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022-2030.
Đề án nhằm khai thác tiềm năng sử dụng dữ liệu dân cư quốc gia và căn cước công dân phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong trước mắt và lâu dài, đồng thời liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, địa phương và phù hợp trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 19/11/2021, Bộ Công an có Tờ trình số 801/TTr-BCA-V01 gửi Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý về việc giao Bộ Công an cùng Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia.
Đề án được xây dựng với các mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến nhằm đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo đúng lộ trình chuyển đổi số quốc gia hướng tới chính phủ số để bảo đảm thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
|
Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư triển khai các dịch vụ có thu phí phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ, nguồn kinh phí thu được sẽ được sử dụng để tái đầu tư góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Xây dựng, phát triển hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh để đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Tích hợp các dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm Covid-19, dữ liệu an sinh xã hội và các thông tin giấy tờ khác của công dân vào thẻ Căn cước công dân.
Hoàn thiện hệ sinh thái CSDL quốc gia về dân cư, căn cước công dân kết nối, chia sẻ với các CSDL chuyên ngành trên cơ sở tiêu chuẩn chung, thống nhất phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó tránh trùng lặp, tiết kiệm ngân sách. Đồng thời dữ liệu dân cư được làm giàu, được lưu trữ tập trung, tạo tiền đề triển khai sáng kiến “Điểm cung cấp thông tin dân cư tổng hợp quốc gia” để hỗ trợ chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện thể chế từ Trung ương đến địa phương.
Khai thác tối đa thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Khi dữ liệu dân cư được làm giàu sẽ càng cung cấp nhiều tiện ích phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và có thể thay thế các cuộc tổng điều tra dân số hiện nay.
Năm 2022 phấn đấu triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023 và các năm tiếp theo bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thông suốt, hoạt động hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực, khẩn trương triển khai các Cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện Đề án với các nhiệm vụ trọng tâm chính như: đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bố trí đủ nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện; ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, hiệu quả triển khai Đề án. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan trong thời gian sớm nhất để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất tổ chức thực hiện hiệu quả. Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với việc triển khai quyết liệt, các cấp, các ngành sẽ thực hiện thắng lợi Đề án này, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư