Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/01/2022-13:59:00 PM
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01 năm 2022
(MPI) - Sáng ngày 28/01/2022, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01 năm 2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 01 vừa qua có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại quan trọng. Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022; phục vụ kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV. Các bộ, ban, ngành tổng kết công tác năm 2021, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2022, triển khai Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.

Cả nước tiếp tục thực hiện thống nhất, quyết liệt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 trên cơ sở nền tảng của năm 2021 tiếp tục đạt một số kết quả rất đáng trân trọng.

Về cơ bản, chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Các cấp, các ngành tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngay từ đầu năm. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh được nối lại, chuỗi cung ứng lao động được khôi phục.

Trình bày báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. Ảnh: Chinhphu.vn

Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quvết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở quan trọng để Chính phủ ban hành Chương trình và triển khai Nghị quyết của Quốc hội, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, thiết thực hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, người dân, doanh nghiệp. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, là cơ sở để các cấp, các ngành chủ động, tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra ngay từ những ngày đầu năm 2022; tạo niềm tin, tinh thần phấn khởi, lạc quan, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp về triển vọng sản xuất kinh doanh và toàn bộ nền kinh tế.

Những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc như tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV với các Luật, Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa lớn nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tình hình phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến tích cực; Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tích cực, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong các tháng cuối năm. Mặc dù năm 2021 có nhiều khó khăn hơn so với năm 2020 do đặc thù của năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn như cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án như thiết kế lập dự toán, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu,… và phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động... nhưng ước đến ngày 31/01/2022, tỷ lệ giải ngân vốn NSNN năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt, giải ngân các tháng cuối năm tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm (64,45% kế hoạch cả năm) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (64,04%).

Các kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp... Các chủ trương, chính sách, giải pháp được ban hành, thực hiện hiệu quả càng củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp về triển vọng của nền kinh tế. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt cao và dịch bệnh được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nước ta vẫn đối mặt với khó khăn, thách thức lớn sau dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, sức khỏe tinh thần của người dân, tạo ra một số hệ lụy xã hội; kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ thiếu hụt về nguồn cung năng lượng, giá dầu tăng cao; nguy cơ lạm phát hiện hữu; tình hình địa - chính trị giữa các quốc gia lớn có những diễn biến phức tạp; một số cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu quyết liệt trong cụ thể hóa và triển khai thực hiện kế hoạch đã được thông qua; còn tình trạng chưa quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp, hướng dẫn của Trung ưong về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"...

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay sau khi được Chính phu ban hành.

Trong đó, chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cụ thể: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho Nhân dân trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Theo dõi chặt chẽ, xây dựng các kịch bản và phương án kiểm soát lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm để bắt tay vào sản xuất ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm mở lại các đường bay quốc tế, đón khách quốc tế theo lộ trình.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, các quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay sau Tết, tích cực đẩy nhanh, giải quyết các công việc đang còn tồn đọng. Tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ án còn đang gây bức xúc trong xã hội.

Chủ động, khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thực hiện ngay chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát dòng tiền đi vào các hoạt động đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, tiền số... tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Trong thực hiện cần chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chủ động điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn...

Phiên họp tập trung đánh giá tình hình tháng 01 năm 2022, triển khai nhiệm vụ tháng 02, quý I và các tháng tiếp theo; thảo luận và hoàn chỉnh nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội; thảo luận về ưu tiên phòng chống dịch; làm tốt công tác an sinh xã hội theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người, mọi nhà đều có Tết, bảo đảm an ninh trật tự để bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, vui tươi, lanh mạnh, tiết kiệm./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 6037
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)