(MPI) – Nhằm chuẩn bị cho Phiên chính thức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), chiều ngày 18/02/2022, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc và Đồng Chủ tịch VBF Tetsu Funayama đã chủ trì Phiên họp kỹ thuật VBF 2021.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sau 24 năm, đây là năm đầu tiên VBF được tổ chức, thực hiện theo hình thức mới. Phiên họp kỹ thuật này có ý nghĩa rất lớn, dành nhiều thời gian, cơ hội để các cấp trao đổi những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả của Phiên họp sẽ được báo cáo tại Phiên họp chính thức, dự kiến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 21/02/2022.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ cảm ơn chân thành đến các doanh nghiệp, doanh nhân đã chung tay, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ Việt Nam, cũng như các bộ, ngành và địa phương trong đợt dịch vừa qua; đồng thời nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, như: tham gia ủng hộ, viện trợ vắc-xin, trang thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, là kênh thông tin hữu ích giúp các bộ, ngành có thể nghiên cứu, tìm ra những giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần vượt khó, nỗ lực, tự lực, tự cường của các doanh nghiệp đã cố gắng thích ứng trong bối cảnh mới để phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn vì một mục tiêu chung là phát triển doanh nghiệp cũng như hài hòa lợi ích của các bên.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Đại dịch COVID-19 vừa qua đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều giải pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 02 Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2,58%; kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, chính sách tài chính tiền tệ được điều chỉnh linh hoạt, thị trường chứng khoán phát triển nhanh và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là gói chính sách tài khóa, tiền tệ quy mô lớn chưa từng có, lớn nhất từ trước tới nay. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện hiệu quả Chương trình này.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đánh giá cao VBF 2021 đã lựa chọn chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”; mong muốn các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn để có được quan điểm, định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
|
Đồng Chủ tịch VBF Tetsu Funayama phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Đồng Chủ tịch VBF Tetsu Funayama cho biết, năm 2021 nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng đem đến nhiều kỳ vọng vào tương lai với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt và quyết liệt cùng với những quyết sách kịp thời, hiệu quả, Chính phủ đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực đó của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời khẳng định sẽ chia sẻ và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện cho các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, đặc biệt là tăng trưởng FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Tetsu Funayama cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì kênh đối thoại giữa Chính phủ và khu vực đầu tư tư nhân cũng như mong muốn môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh bình thường mới.
Tại Phiên họp, đại diện các nhóm công tác thuộc VBF trình bày các kiến nghị, vướng mắc mang tính kỹ thuật mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Đại diện các bộ, ngành đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ các khó khăn để các doanh nghiệp có thể phát triển, thuận lợi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư