Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Long Beach, California. (Ảnh: AFP/ TTXVN) Nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng đà đi lên của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài, bất chấp những khó khăn dai dẳng từ đại dịch, căng thẳng chuỗi cung ứng cũng như lạm phát leo thang.
Nền kinh tế Mỹ đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ vào năm 2021 sau khi chính phủ bơm hàng nghìn tỷ USD cứu trợ trong mùa dịch COVID-19.
Trong khi một số nhà kinh tế lo ngại về dấu hiệu “hạ nhiệt” trong quý 1/2022, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng đà đi lên của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài, bất chấp những khó khăn dai dẳng từ đại dịch, căng thẳng chuỗi cung ứng cũng như lạm phát leo thang.
Tốc độ tăng trưởng ấn tượng
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng vọt trong quý 4/2021 chủ yếu nhờ các doanh nghiệp đẩy mạnh bổ sung kho hàng dự trữ đã cạn kiệt nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao.
Báo cáo mới nhất công bố ngày 27/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 4/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này vượt khá xa mức tăng trưởng 2,3% trong quý 3/2021, cũng như kết quả cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành là 5,5%.
Tính chung cả năm, kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,7% - mức cao nhất kể từ năm 1984 tới nay và đảo chiều ấn tượng từ mức giảm sâu nhất trong 74 năm là 3,4% vào năm 2020.
Đầu tư vào hàng tồn kho tăng với tốc độ 173,5 tỷ USD, đóng góp 4,90 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP quý 4 - mức cao nhất kể từ quý 3/2020.
Các doanh nghiệp đã ghi nhận lượng hàng dự trữ suy giảm kể từ quý 1/2021. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển chi tiêu từ dịch vụ sang hàng hóa trong thời kỳ đại dịch cùng sự bùng nổ nhu cầu đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng. Nếu loại trừ khoản đầu tư vào kho hàng dự trữ, GDP của Mỹ tăng trưởng ở mức vừa phải 1,9% trong quý vừa qua.
Mức tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2021 sẽ hỗ trợ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện mục tiêu tăng lãi suất vào tháng Ba tới. Trước đó, trả lời các phóng viên vào ngày 26/1 sau khi cuộc họp chính sách mới nhất kết thúc, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng nền kinh tế không còn cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nữa và tình hình sẽ sớm thích hợp để tăng lãi suất.
Những dấu hiệu “hạ nhiệt”
Tuy nhiên, dù ghi nhận những số liệu khá ấn tượng, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đà tăng trường của kinh tế Mỹ “nguội dần” vào tháng 12/2021.
Chuyên gia Kathy Bostjancic của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics cho biết, mức tăng bất ngờ của quý IV phần lớn đến từ đầu tư vào lượng hàng dự trữ tăng vọt, trong khi các thành phần khác không mạnh như số liệu chung phản ánh.
Bà lưu ý thêm rằng trong giai đoạn chuyển giao sang năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã giảm tốc tương đối với chi tiêu của người tiêu dùng giảm dần vào tháng 12/2021, khi biến thể Omicron làm suy giảm các hoạt động kinh tế.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho tăng trưởng GDP quý trước đến từ sự phục hồi trong chi tiêu cho thiết bị kinh doanh. Nhưng chi tiêu của chính phủ đã giảm ở cả cấp liên bang, tiểu bang và địa phương.
Thương mại không đóng góp gì sau khi là lực cản đối với tăng trưởng GDP trong 5 quý liên tiếp. Đầu tư vào xây dựng nhà ở cũng giảm trong quý thứ ba liên tiếp, do lĩnh vực này đang chịu tác động bởi giá vật liệu xây dựng tăng cao, dẫn đến lượng nhà tồn đọng chưa được khởi công chạm mức cao kỷ lục.
Nguồn cung liên tục bị tắc nghẽn, sự khan hiếm của các linh kiện quan trọng kết hợp với nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ được thúc đẩy bởi các khoản hỗ trợ hào phóng của chính phủ đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” cho áp lực lạm phát tăng cao.
Giá cả đã tăng nhanh trong cả năm vừa qua và đạt đỉnh trong giai đoạn tháng 10-12/2021 với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng tới 6,5%. Đó là mức tăng lớn nhất trong 40 năm qua.
Còn tính chung trong cả năm ngoái, lạm phát tại Mỹ đã tăng 3,9%. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% do ngân hàng trung ương đề ra.
Điều đó có nguy cơ làm giảm nhu cầu tiêu dùng vốn là nền tảng cho sự phục hồi, trong khi tình trạng thiếu hụt và những khó khăn trong chuỗi cung ứng tiếp tục gây đau đầu cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các hộ gia đình vẫn có khoản tiết kiệm khổng lồ 1.340 tỷ USD trong quý vừa qua. Tiền lương tăng tới 8,9% (số liệu chưa điều chỉnh theo lạm phát), phản ánh thị trường lao động đang thiếu hụt nhân công trầm trọng. Đây là một thách thức khác đối với các doanh nghiệp khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường.
Triển vọng vẫn khả quan
Một số nhà kinh tế xem sự tăng trưởng khiêm tốn trong cái gọi là doanh số bán hàng cuối cùng là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý 1/2022. Họ cũng lo ngại rằng việc tăng lãi suất cũng như giảm viện trợ của chính phủ, đặc biệt là việc không còn tín dụng thuế chăm sóc trẻ em có thể ảnh hưởng đến nhu cầu.
Ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường FWDBONDS cho biết giữa bối cảnh như vậy, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ phải cực kỳ cẩn thận trong việc tăng lãi suất. Vì Fed trong lịch sử đã có những lúc tăng lãi suất quá cao và khiến nền kinh tế lại suy giảm.
Chuyên gia Ian Shepherdson của công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics nhận định rằng khởi đầu năm 2022 có vẻ không mấy lạc quan cho kinh tế Mỹ. Ông hiện dự báo tăng trưởng GDP của quý đầu tiên trong năm 2022 là 0.
Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao Sal Guatieri của công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets cho biết dù biến thể Omicron có thể dẫn đến tăng trưởng yếu hơn trong quý I, hoạt động dự kiến sẽ phục hồi tốt khi làn sóng đại dịch mới nhất giảm bớt và các trục trặc trong chuỗi cung ứng được giải quyết.
Trong khi đó, bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu Conference Board, cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất chuẩn bốn hoặc năm lần trong năm nay và đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong quý 2. Theo chuyên gia này, ngay cả khi có nhiều đợt nâng, lãi suất của Fed dự kiến sẽ chỉ ở quanh mức 1,25%.
Bất chấp những khó khăn vào đầu năm, hầu hết các nhà kinh tế tin tưởng về triển vọng lạc quan hơn của kinh tế Mỹ. Ước tính tăng trưởng cho năm nay của giới chuyên gia trung bình khoảng 4%.
Ông Scott Hoyt, nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Moody's Analytics thậm chí đánh giá năm 2022 có thể là một năm còn tốt hơn đối với nền kinh tế. Tăng trưởng sẽ giảm tốc phần nào, và tỷ lệ tăng việc làm hàng tháng sẽ tụt lại so với mức cao của năm 2021. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ gần đạt mức toàn dụng lao động và lạm phát về về gần với ngưỡng mục tiêu của Fed vào cuối năm nay./.