(MPI) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 02/3/2022, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang đã trình bày dự thảo báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở nước ta.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ
Theo Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Về những kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém chủ yếu trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020, Viện trưởng Trần Hồng Quang cho biết, phát triển vùng đã có bước chuyển biến, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Từng vùng đã phát huy, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cả vùng. Tăng cường liên kết vùng; nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành. Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Nhiều công trình hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao... quan trọng quốc gia, quy mô vùng được quan tâm đầu tư và phân bố trên các vùng. Các khu vực cần bảo tồn (vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển, ven biển) được bảo vệ, mở rộng, tăng đa dạng sinh học.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém như không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, các địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình. Chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế. Đầu tư phát triển dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành các vùng động lực, đi trước, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, ngân sách.
Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, đô thị hóa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả, tác động lan tỏa của khu vực đô thị còn hạn chế. Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch… còn dàn trải, chưa tạo thành các cụm liên kết ngành lớn, hiệu quả chưa cao. Ô nhiễm môi trường liên tỉnh, nhất là ô nhiễm lưu vực sông chậm được khắc phục, ô nhiễm trên biển diễn biến phức tạp. Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế.
06 quan điểm chủ yếu về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước
Quán triệt các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 và các chủ trương, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, các quan điểm chủ yếu về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước bao gồm: thứ nhất, phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.
Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.
Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; tăng cường đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.
Thứ năm, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.
Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu phát triển là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia
Trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.
Về phát triển các hành lang kinh tế, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây, dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.
Về các hành lang kinh tế Đông - Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi, có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế; Các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; Ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế… Trên các hành lang kinh tế sẽ định hướng bố trí các trung tâm kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị lớn, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng trên hành lang.
Hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.
Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực; cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư