Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/02/2022-13:29:00 PM
Chuyên gia Pháp: Năm 2022 vẫn có hy vọng, tuy vẫn nhiều rủi ro

Người dân mua sắm tại một chợ ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyên gia Pháp cho rằng năng lượng và thực phẩm là nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng vọt, tuy nhiên áp lực lạm phát sẽ chỉ là nhất thời và việc tăng giá sẽ chậm lại trong những tháng tới.

Nhà kinh tế trưởng của Cơ quan bảo hiểm thương mại Pháp Coface, Jean-Christophe Caffet nhận định đại dịch COVID-19 cùng lạm phát gia tăng và tình trạng bất bình đẳng sẽ khiến 2022 trở thành một năm có nhiều rủi ro, nhưng không phải là không có hy vọng.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trả lời phỏng vấn nhật báo Les Echos số ra gần đây, chuyên gia Jean-Christophe Caffet cho rằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch khiến thế giới phải đối mặt với lạm phát do khan hiếm nguồn cung, ngắt quãng chuỗi giá trị, khó khăn trong vận tải và logistic.

Năng lượng và thực phẩm là nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng vọt. Tuy nhiên, theo ông, áp lực lạm phát sẽ chỉ là nhất thời và việc tăng giá sẽ chậm lại trong những tháng tới.

Cụ thể là giá dầu dự kiến cũng sẽ giảm do sản lượng của một số nước không thuộc Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Canada và Brazil tăng lên. Thêm vào đó, sản lượng khai thác dầu đá phiến ở Mỹ cũng được đẩy mạnh.

Do đó, giá một thùng dầu trong thời gian tới sẽ dao động quanh mức 100 USD và mức giá này có thể sẽ được duy trì trong một thời gian dài.

Về khí đốt, mùa Đông cũng sắp kết thúc ở châu Âu và tình hình dài hạn còn tùy thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, mối lo ngại sẽ chỉ tập trung vào mùa Đông nếu các quốc gia châu Âu, vốn phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp khí đốt, không bổ sung kho dự trữ của họ trong thời gian tới.

Sự gián đoạn trong chuỗi giá trị cũng có tác động nhất định, khiến giá tiêu dùng tăng, tuy nhiên quãng thời gian tồi tệ nhất cũng đã qua đi, các công ty đã khôi phục kho hàng và hoạt động sẽ trở lại bình thường, trừ khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát khiến các nhà máy phải đóng cửa.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của Coface cho rằng do khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu và các cuộc xung đột ở nhiều nơi, chưa bao giờ rủi ro chính trị và xã hội trên thế giới lại cao đến như vậy.

Ở các nước phát triển hay nước công nghiệp tồn tại tâm lý mệt mỏi vì các biện pháp hạn chế, cảm giác xuống cấp của tầng lớp trung lưu do thu nhập thực tế luôn "giậm chân tại chỗ" từ 30 năm qua, lạm phát và giá cả leo thang, bất bình đẳng ngày càng tăng...

Ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo, dịch bệnh hoành hành, kinh tế đình trệ, thu nhập bình quân đầu người giảm, tỷ trọng chi tiêu cho thực phẩm và năng lượng tăng, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, chế độ tiền lương lại không được cải thiện, khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu...

Tất cả những yếu tố này tạo thành những nguyên nhân gây nên tâm lý bi quan, chán nản trong người dân và sự bất an trong xã hội.

Ở một số quốc gia như Maroc, Tunisia hoặc Thái Lan, nền kinh tế sẽ đặc biệt bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào du lịch và nhập khẩu phần lớn năng lượng tiêu thụ.

Các quốc gia khác như Romania hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng trong tình trạng tương tự. Tình hình còn tồi tệ hơn ở một số nước nghèo như Sri Lanka, Bangladesh...

Riêng đối với Trung Quốc, các cuộc khủng hoảng bất động sản và ngân hàng đang phải đối mặt không thể giải quyết ngay trong vài tháng tới được. Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại sẽ có tác động đối với nền kinh tế thế giới./.


TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 408
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)