Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/03/2022-11:38:00 AM
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì họp về tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Sáng ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì họp trực tuyến về tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự cuộc họp.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở thời điểm chuyển giao giữa 02 giai đoạn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, gián đoạn. Bên cạnh đó, công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư từng chương trình mục tiêu quốc gia do đòi hỏi phải thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định Luật Đầu tư công, yêu cầu của Quốc hội nên phải mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị, xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm và chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện chương trình nhất là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn NSTW thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, năm 2022. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mặc dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2020 nhưng khâu trình phê duyệt đầu tư, phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đến tháng 9/2021 mới hoàn thành; Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa hoàn thiện, trình ban hành; Danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là đối tượng phân bổ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa hoàn thiện, trình ban hành.

Bên cạnh đó, các thông tư quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp; hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần cũng chưa được chưa được ban hành theo tiến độ. Do vậy, nếu các quy định, hướng dẫn này không kịp han hành thì ngay cả trong trường hợp kế hoạch NSTW đã được giao cho các bộ, ngành và địa phương thì việc phân giao vốn và giải ngân vốn cũng không triển khai được.

Công tác rà soát, trình giao vốn thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, dự án dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục triển khai trong năm 2021 đến tháng 8/2021 mới hoàn thành đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đến tháng 12/2021 mới hoàn thành đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Do đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không có nguồn kinh phí để sớm triển khai các chính sách chuyển tiếp ngay từ đầu năm 2021; không kịp giải ngân hết kế hoạch vốn sự nghiệp theo niên độ và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo cơ sở pháp lý và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trên cơ sở ý kiến các thành viên Chính phủ, giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ xem xét thông qua Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 3/2022 để làm cơ sở để thực hiện các công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ vốn đối ứng NSĐP thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong tháng 3/2022. Giao Bộ Tài chính ban hành các Thông tư hướng dẫn về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn NSTW từng chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 01/5/2022; đồng thời, rà soát ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán vốn NSNN thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định để các bộ, ngành và địa phương có thể tổ chức thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao. Giao các cơ quan chủ chương trình, chủ trì nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện từng chương trình theo thẩm quyền trong tháng 3/2022.

Tuy nhiên, để đảm bảo không bị chậm trễ về tiến độ giao vốn , Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/3/2022; đồng thời, đề nghị các chủ chương trình chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về phương án đề xuất.

Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước ngày 24/3/2022. Xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chậm nhất trước ngày 01/4/2022. Đồng thời đề nghị các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, rà soát lại các tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ vốn NSTW để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 01/4/2022. Các bộ, ngành xây dựng thông tư thực hiện, chịu trách nhiệm về số liệu phân bổ./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1333
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)