(MPI) - Ngày 21/3/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia và các tập đoàn, tổng công ty về một số nội dung liên quan đến vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 và định hướng lớn nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, giải pháp huy động tối đa nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, cuộc họp nhằm thống nhất một số nội dung phục vụ Hội nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước sắp diễn ra. Đây sẽ là dịp để Thủ tướng lắng nghe toàn bộ hoạt động của DNNN, từ đó tìm ra các điểm nghẽn cần tháo gỡ với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này, đặc biệt là với vai trò dẫn dắt, các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua việc tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn, có tính chất lan tỏa trong một số lĩnh vực.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá vai trò, hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian qua, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế hiện nay, phản ánh sát thực tế, đưa ra các đề xuất, kiến nghị. Đồng thời tập trung cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá về các cơ chế, chính sách trong thời gian qua và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
Theo dự thảo báo cáo đánh giá tình hình hoạt động, vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 và định hướng lớn nhằm sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, giải pháp huy động tối đa nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội được Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung trình bày, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện vai trò của DNNN trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế, chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực cho nền kinh tế; chưa có liên kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; năng lực cạnh tranh đã có cải thiện tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng; việc thực hiện các dự án mới chưa được thúc đẩy; tái cơ cấu doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu;…
Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, báo cáo đưa ra các định hướng và kiến nghị, giải pháp về quan điểm, định hướng sắp xếp, nâng cao hiệu quả DNNN, huy động tối đa nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2030; đẩy mạnh công tác sắp xếp, cơ cấu lại DNNN; đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường;…
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, các ý kiến cơ bản thống nhất và đánh giá cao nội dung các Dự thảo được trình bày tại cuộc họp; thống nhất với những đánh giá cũng như các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô; bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, phát huy vai trò, ví trí, sứ mệnh, gắn với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế.
Các ý kiến cũng tập trung vào các khó khăn, vướng mắc, giải pháp đảm bảo DNNN là lực lượng tiên phong, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước; thúc đẩy vai trò giám sát của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông cảm ơn và đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại diện các bộ, ngành. Các ý kiến rất sát với thực tiễn và cho thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới; đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện các dự thảo. Trong đó, về dự thảo báo cáo, đánh giá kỹ hơn về kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế, phân chia theo nhóm ngành, lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng, hạ tầng, viễn thông,… từ đó đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể; về dự thảo Nghị quyết tập trung nhấn mạnh vào các giải pháp cụ thể và gắn với trách nhiệm, thời hạn thực hiện, trong đó có các giải pháp huy động nguồn lực tài chính, con người, quản trị, phân cấp, phân quyền, làm rõ tinh thần tháo gỡ khó khăn, tăng quyền tự chủ để các doanh nghiệp thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng; đánh giá hiệu quả, mục tiêu theo từng lĩnh vực, phát huy vai trò của DNNN trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư