Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/12/2021-15:47:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội ước tháng 11 năm 2021 của tỉnh Lâm Đồng

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp

Tình hình sản xuất nông nghiệp tháng 11 và 11 tháng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời tiết tương đối thuận lợi cho việc gieo trồng và phát triển đối với cây trồng. Tuy nhiên tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp leo thang đã tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của người dân, nhà nông vốn đã khó khăn lại khó khăn thêm, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 cả trong sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản. Do đó, để thúc đẩy sản xuất và đảm bảo quyền lợi, người nông dân đã chú trọng cả nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ để có những đột phá trong sản xuất, thúc đẩy đưa ngành nông nghiệp phát triển và là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

1.1. Nông nghiệp

Sản xuất vụ mùa: Tính đến ngày 10/11/2021 toàn tỉnh đã gieo trồng được 48.680 ha cây hàng năm các loại, tăng 0,22% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích gieo cấy lúa đạt 12.450 ha, giảm 1,46% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các địa phương Đức Trọng 2.650 ha, Đạ Tẻh 2.150 ha, Di Linh 2.070 ha, Cát Tiên 1.935 ha, Đơn Dương 1.860 ha, Đam Rông 1.027 ha; rau các loại gieo trồng 23.743 ha, tăng 0,91% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương. Riêng diện gieo trồng hoa các loại giảm giảm 2,82% so với cùng kỳ với diện tích 2.955 ha, tập trung chủ yếu ở Đà Lạt, Lạc Dương và Đơn Dương.

Thu hoạch vụ Mùa: Tiến độ thu hoạch năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước do tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, giá cả nhiều loại nông sản tăng và ổn định tạo điều kiện khuyến khích bà con nông dân đầu tư thâm canh, gieo trồng. Tính đến ngày 10/11/2021, diện tích thu hoạch cây hằng năm thực hiện 18.597,5 ha, tăng 3,44% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích ngô thu hoạch 895 ha/1.879 ha, đạt 47,63% diện tích gieo trồng, giảm 3,76%; rau các loại thu hoạch 12.850 ha/23.743 ha, đạt 54,12% diện tích gieo trồng, tăng 5,41%; hoa các loại thu hoạch 1.990 ha/2.955 ha, đạt 67,34% diện tích gieo trồng, giảm 3,59% so với cùng kỳ.

Cây lâu năm: Tính từ đầu năm đến nay diện tích trồng mới, tái canh, cải tạo cây lâu năm toàn tỉnh thực hiện 12.530,5 ha, tăng 9,91% so với cùng kỳ. Các loại cây trồng chiếm tỷ trọng cao như cây cà phê 6.158,8 ha, chiếm 49,15%, tăng 24,82%; cây ăn quả 5.235,4 ha, chiếm 41,78%, tăng 8,22% so với cùng kỳ. Tập trung chủ yếu ở Lâm Hà 2.706,8 ha, Di Linh 2.598,7 ha, Bảo Lâm 1.647,6 ha, Đam Rông 1.366,9 ha, Đức Trọng 1.217,8 ha.

Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống sâu bệnh trên cây trồng: Sâu bệnh hại được kiểm soát chặt chẽ, chỉ gây hại ở mức nhẹ không thiệt hại đến năng suất, sản lượng cây trồng. Trên cây lúa bọ trĩ gây hại 72 ha, đạo ôn lá gây hại 380 ha, đạo ôn cổ bông gây hại 95,1 ha, bệnh khô vằn nhiễm 194 ha; trên cây ngô sâu keo gây hại 200 ha; trên cây cà chua bệnh virus gây hại 249,4 ha, bệnh mốc sương gây hại 288,9 ha; trên cây rau họ thập tự sâu tơ gây hại 485,5 ha, bệnh sưng rễ gây hại 213,9 ha; trên cây hoa cúc bệnh sọc thân virus gây hại 10 ha.

Chăn nuôi: Trong tháng, bệnh Viêm da nổi cục trên đàn bò phát sinh lẻ tẻ tại 03 huyện (Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên) làm 18 con mắc bệnh/11hộ/02 thôn, tiêu hủy 22 con (7 bò,15 bê)/ 3.176 kg. Lũy kế đến ngày 15/11/2021 đã có 2.060 con bò mắc bệnh/1.204 hộ/128 thôn/26 xã, thị trấn của 04 huyện (Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên); tiêu hủy 265 con (206 bê, 59 bò)/32.466 kg[1]. Đến nay, bệnh Viêm da nổi cục trên đàn bò cơ bản đã được kiểm soát, chỉ xuất hiện lẻ tẻ với số lượng mắc bệnh không đáng kể (1-2 con/ngày hoặc không có bò mắc bệnh), có 15/26 xã qua 21 ngày không phát sinh bò mắc bệnh, đã điều trị khỏi bệnh 1.426 con, số bò còn lại tiếp tục được chăm sóc và điều trị tích cực). Vì vậy chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; duy trì thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh theo quy trình kiểm dịch.

Đàn trâu hiện có 13.121 con, giảm 3,56%; đàn bò có 99.050 con[2], giảm 2,51% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 11 tháng năm 2021 ước tính đạt 874,2 tấn, giảm 4,02%; sản lượng thịt bò đạt 4.700,5 tấn, giảm 12,03% so với cùng kỳ. Chăn nuôi lợn trên địa bàn đã có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng nhưng nhìn chung còn chậm. Đàn lợn hiện có 395.225 con, tăng 2,88% so với cùng kỳ; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 11 tháng ước tính đạt 61.179,1 tấn, tăng 3,3%. Chăn nuôi gia cầm đạt khá, bệnh cúm gia cầm vẫn xuất hiện nhưng với phạm vi nhỏ. Đàn gia cầm hiện có 11.015 ngàn con, tăng 3,58% so với cùng kỳ, trong đó đàn gà đạt 5.490,2 ngàn con, tăng 9,47%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 11 tháng ước tính đạt 22.252 tấn, tăng 9,44%; sản lượng trứng gia cầm đạt 1.661,9 triệu quả, tăng 10,9%.

1.2. Lâm nghiệp

Lâm sinh: Trong 11 tháng năm 2021 diện tích trồng mới rừng tập trung ở các loại hình kinh tế trên địa bàn thực hiện chủ yếu trồng dặm, bổ sung những diện tích cây ước đạt 1.232 ha, giảm 11,26% (-156,25 ha); diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 7.170 ha, tăng 6,22% (+420 ha); diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng 452.649,4 ha.

Khai thác lâm sản: Trong tháng 11 năm 2021 ước tính sản lượng gỗ tròn các loại khai thác ở các loại hình kinh tế đạt 4.185 m3, tăng 0,6%; củi thước 8.380 ster, giảm 0,42% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2021 sản lượng gỗ tròn khai thác ước đạt 47.256 m3, tăng 0,51%; củi thước đạt 61.779,5 ster, giảm 17,36% so với cùng kỳ.

Tình hình vi phạm lâm luật: Trong tháng (từ 11/10/2021 đến ngày 10/11/2021) đã phát hiện 45 vụ vi phạm, giảm 8,16% so với cùng kỳ. Trong đó: Số vụ phá rừng 22 vụ, tăng 4,76%; diện tích rừng bị phá 2,03 ha, tăng 23,03% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, tổng số vụ vi phạm 460 vụ, giảm 27,72% so với cùng kỳ; diện tích thiệt hại do phá rừng 33,41 ha, giảm 18,09%. Tổng số vụ đã xử lý 416 vụ, trong đó xử lý hành chính 384 vụ; lâm sản tịch thu được 852,2 m3 gỗ các loại; tổng thu nộp ngân sách 6,14 tỷ đồng.

2. Sản xuất công nghiệp

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong tháng các doanh nghiệp, các đơn vị đã tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất công nghiệp nên mức độ tăng, giảm khác nhau giữa các ngành công nghiệp. Ngoài ra thị trường tiêu thụ thu hẹp, hợp đồng mới và xuất khẩu rất ít, chi phí sản xuất tăng. Nhìn chung chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp Lâm Đồng trong tháng 11 và 11 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ, tăng chủ yếu là ngành sản xuất, phân phối điện.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 năm 2021 tăng 17,49% so với cùng kỳ; trong đó ngành khai khoáng tăng 14,32%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,25%; sản xuất và phân phối điện tăng 39,97%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,58% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng năm 2020 giảm 0,29%), chủ yếu ngành sản xuất, phân phối điện (+21,97%); khai khoáng tăng 8,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,68%. Riêng ngành cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 0,19%.

Trong 11 tháng năm 2021, hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành đạt mức tăng cao như: Ngành sản xuất máy móc, thiết bị tăng 30,62%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 21,62%; ngành dệt tăng 18,54%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 15,25%; sản xuất đồ uống tăng 10,49%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 10,18%. Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, ít nhất 5,42% là ngành sản xuất trang phục và ngành giảm nhiều nhất là sản xuất thuốc, hóa dược và được liệu giảm 27,34%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm 2021: Sợi len lông cừu đạt 1.337 tấn, tăng 38,68% so với cùng kỳ; bia đóng lon đạt 90,4 triệu lít, tăng 17,58%; bê tông trộn sẵn đạt hơn 441,4 ngàn m3, tăng 13,51%; bôxit nhôm (alumin) đạt 655,4 ngàn tấn, tăng 3,37%; phân bón NPK đạt 108,9 ngàn tấn, tăng 2,65%; chè nguyên chất đạt 19.938 tấn, giảm 28,15%; gạch xây dựng đạt 338,8 triệu viên, giảm 6,09%. Sản phẩm điện sản xuất của 33 nhà máy trên địa bàn tỉnh đạt 7.343 triệu kwh, tăng 21,55%.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp: Trong 11 tháng năm 2021 chỉ số lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 4,03% so với cùng kỳ. Chia theo ngành công nghiệp: Ngành khai khoáng giảm 2,52%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 4,16%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,93% và cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 1,72% so với cùng kỳ.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp và thu hút đầu tư [3]

Đăng ký kinh doanh: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11/2021 có 91 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.749 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 8,1% về số lượng và tăng 176,8% về vốn đăng ký. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, có 1.105 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 14.513 tỷ đồng, giảm 8,6% về số lượng và tăng 34,9% về vốn đăng ký.

Tạm ngừng kinh doanh, giải thể: Trong tháng 11/2021 có 18 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giảm 14,3%; 10 doanh nghiệp giải thể, tăng 233%; 22 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,8% doanh nghiệp so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021 có 408 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 10%; 308 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 32,8% và 145 doanh nghiệp giải thể, tăng 229,5% so cùng kỳ.

Tình hình thu hút vốn đầu tư: Trong tháng, có 01 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Lũy kế 11 tháng, có 18 dự án (17 dự án vốn trong nước và 01 dự án FDI).

Điều chỉnh dự án đầu tư: trong tháng, có 04 dự án được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư. Lũy kế 11 tháng, có 59 dự án được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư. Trong đó, điều chỉnh 05 dự án trong khu công nghiệp (có 02 dự án FDI) và 54 dự án ngoài khu công nghiệp (có 06 dự án FDI).

Thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư: Trong tháng, không có dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư. Lũy kế 11 tháng, có 41 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư (39 dự án ngoài khu công nghiệp và 02 dự án trong khu công nghiệp), với số vốn đăng ký đầu tư 6.472,82 tỷ đồng.

4. Đầu tư

Để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lâm Đồng năm 2021, ngay từ đầu năm UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời giao cho các địa phương các nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị hiệu quả kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid - 19 lần thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình triển khai và giải ngân vốn. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn phải đảm bảo tiến độ công trình, nhất là công trình vốn đầu tư công; hoàn thành các dự án theo kế hoạch đã đề ra, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Đến tháng 11 năm 2021, tỉnh Lâm Đồng tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 còn lại; phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch. Để thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đạt kế hoạch, ngày 29/10/2021 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công văn số 7778/UBND-KH về việc tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2021 ước đạt 857,5 tỷ đồng, tăng 91,96% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 816,3 tỷ đồng, tăng 109,17% so với cùng kỳ; trong nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh, vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 321,9 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 270,5 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) đạt 44 tỷ đồng; vốn từ xổ số kiến thiết đạt 172,2 tỷ đồng và nguồn vốn khác đạt 7,7 tỷ đồng. Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 41,2 tỷ đồng, giảm 26,91% so với cùng kỳ. Dự ước nguồn vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng năm 2021 đạt 4.003,4 tỷ đồng, tăng 35,09%; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 3.727,4 tỷ đồng, tăng 39,17% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 1.536,2 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 1.058,1 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) đạt 114,1 tỷ đồng; vốn từ xổ số kiến thiết đạt 859,4 tỷ đồng và nguồn vốn khác đạt 159,6 tỷ đồng. Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 276 tỷ đồng, giảm 3,28% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh có 734 công trình tiếp tục triển khai; trong đó một số công trình lớn như: Đầu tư nâng cấp, cải tạo và lắp đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố (5 nút giao thông) thành phố Đà Lạt, nâng cấp đường Đankia và cầu Phước Thành (phường 7), sân vận động Đà Lạt tại trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt; xây dựng và nâng cấp đường Hải Thượng Lãng Ông, xây dựng các tuyến đường Lê Thị Riêng nối đường Phan Chu Trinh, đường Nguyễn Khắc Nhu xã Lộc Nga đi xã Tân Lạc (Bảo Lâm), xây dựng cầu Ông Thọ xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc; đường liên xã từ xã Rô Men đi xã Liêng Srônh, dự án xây dựng hồ Thuỷ lợi Đập Bằng Lăng (xã Rô Men), hồ chứa nước Đạ Nòng 2, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông; đường từ xã Lát đi Phi tô, nâng cấp, mở rộng đường 19/5, kè chống sạc lỡ suối Phước Thành (gia đoạn 1), huyện Lạc Dương; hồ chứa nước Đông Thanh, đường giao thông liên xã Hoài Đức đi Tân Thanh, đầu tư một số hạng mục để đạt chuẩn quốc gia tại 02 trường THCS Đạ Ròn và Ka Đô, xây dựng đường từ cầu Suối Cát vào thôn Ha Ma Nhai và đường nội đồng thôn Ha Ma Nhai, xã Pró, huyện Đơn Dương; đường liên xã từ thôn Đà Griềng, xã Đà Loan đi thôn Tà Nhiên (xã Tà Năng), xây dựng đường trục xã từ QL20 đi thôn Tân Phú (xã Ninh Gia), xây dựng vỉa hè, điện chiếu sáng QL20 đoạn từ Chùa Bà Cha đến đường cao tốc Liên Khương Prenn, huyện Đức Trọng; xây dựng trường tiểu học Bảo Thuận, trường mầm non Hòa Nam, xây dựng trường THCS Tam Bố, nâng cấp đường liên xã Đinh Trang Hòa đi Tân Lâm và đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh, huyện Di Linh; đường giao xã B'Lá đi xã Lộc Quảng, vỉa hè, hệ thống thoát nước dọc đường trung tâm thị trấn Lộc Thắng (đi vào khu tái định cư Bau xít), nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ ngã 5 xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm đi thành phố Bảo Lộc (nối đường Phùng Hưng TP. Bảo Lộc), huyện Bảo Lâm; đường Madaguoi đi Đạ Oai (Đường ĐH5), nâng cấp đường Đinh Công Tráng thị trấn Đạ M'ri, nâng cấp đường số 2 xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai; nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ đường 721 vào khu Mỏ Vẹt Đạ Kho, dự án xây dựng cầu Mỏ Vẹt, đầu tư một số hạng mục để đạt chuẩn quốc gia tại trường Mầm non thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh; đường ĐH 93 (Bù Khiêu - Đức Phổ), bố trí sắp xếp khu dân cư thôn 3,4 xã Phước cát 2, nâng cấp đường Tiên Hoàng - Đồng Nai Thượng, đường nội thị thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên.

5. Hoạt động tài chính, tín dụng

5.1. Hoạt động tài chính [4]

Năm 2021 các ngành chức năng đã tuyên truyền các chính sách thuế mới, tổ chức hội nghị đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế bằng phương thức trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại, dịch vụ thuế điện tử. Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19[5]; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn kịp thời để người nộp thuế được hưởng chính sách nhà nước nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế và tạo đà phát triển trong thời gian tới[6].

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 30/11/2021 ước đạt 9.936,6 tỷ đồng, bằng 106,85% dự toán năm và tăng 19,62% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt 9.615,5 tỷ đồng, tăng 18,84% và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 321,2 tỷ đồng, tăng 48,93%.

Một số nguồn thu chủ yếu 11 tháng năm 2021: Thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2.322,9 tỷ đồng, đạt 95,36% dự toán và tăng 77,34% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương ước thực hiện 902,7 tỷ đồng, đạt 117,39% và tăng 30,19%; thu lệ phí trước bạ 664,1 tỷ đồng, đạt 124,59% và tăng 35,82%; thu tiền sử dụng đất 1.655,5 tỷ đồng, đạt 110,37% và tăng 23,49%; thu phí và lệ phí 266,4 tỷ đồng, đạt 26,26% và tăng 21,84%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 95,1 tỷ đồng, đạt 127,65% và giảm 7,91%; thuế thu nhập cá nhân 1.082,8 tỷ đồng, đạt 127,69% và tăng 34,24% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 30/11/2021 ước tính đạt 13.777,5 tỷ đồng, đạt 89,59% dự toán và tăng 9,91% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chi thường xuyên 6.950 tỷ đồng, đạt 78,21% dự toán và giảm 1,84%; chi đầu tư phát triển 2.472,9 tỷ đồng đạt 63,34% dự toán và tăng 20,91% so với cùng kỳ.

5.2. Hoạt động tín dụng [7]

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai đổi mới các cơ chế tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp. Ưu tiên thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho đơn vị, cá nhân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích, hỗ trợ các đề án khởi nghiệp...

Tình hình thực hiện lãi suất: Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,56-3,64%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,86%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,05%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 8,17%/năm đối với ngắn hạn; 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND ở mức 4,5 – 5,5%/năm đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

Hoạt động huy động vốn: Ước tính đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 75.500 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong đó, tiền gửi VND đạt 74.000 tỷ đồng, tăng 13,62% so với thời điểm kết thúc năm 2020; tiền gửi ngoại tệ đạt 700 tỷ đồng, giảm 8,62%; tiền gửi tiết kiệm đạt 52.700 nghìn tỷ đồng, tăng 11,65%; tiền gửi thanh toán đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 17,7%.

Hoạt động tín dụng: Ước tính đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 134.000 tỷ đồng, tăng 15,92% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong đó dư nợ cho vay theo kỳ hạn ngắn hạn đạt 98.300 tỷ đồng, tăng 21,76% so với thời điểm kết thúc năm 2020; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 35.700 nghìn tỷ đồng, tăng 2,39% so với thời điểm kết thúc năm 2020.

Các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Tính đến hết tháng 11, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 0,41% trong tổng dư nợ và giảm 9,98% so với thời điểm kết thúc năm 2020.

6. Thương mại, dịch vụ, giá cả và vận tải

6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân; để triển khai thống nhất hành động Nghị quyết 128/NĐ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt nhằm thống nhất chiến lược phòng chống dịch và phát triển kinh tế trên phạm vi cả nước, tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các văn bản thích ứng với các giải pháp của Chính phủ trong trạng thái bình thường mới để tạo chuỗi liên kết vùng, miền nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống nhân dân trong tỉnh; đồng thời có biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cụ thể trong việc mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2021 đạt 5.262,9 tỷ đồng, giảm 10,29% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 12,14%). Cộng dồn 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 48.587,9 tỷ đồng, giảm 5,68% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 7,47%). Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2021 ước đạt 4.368,2 tỷ đồng, chiếm gần 83% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 5,03% so với cùng kỳ. Có 06 nhóm hàng tăng từ 9,01% đến 93,7%, nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng thấp nhất 9,01%, nhóm xăng dầu các loại có mức tăng cao nhất là 93,7% so với cùng kỳ, do giá xăng dầu tăng cao (trong tháng 11/2021 là 25.257 đồng/lít, tăng 66,54% so với tháng 11/2020). Ngược lại, có 06 nhóm hàng còn lại giảm so với cùng kỳ; nhóm đá quý, kim loại quý giảm ít nhất là 9,11% và nhóm ô tô các loại giảm nhiều nhất là 80,1% do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên nhiều hãng ô tô tiếp tục thực hiện những chương trình giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Dự ước doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2021 đạt 38.785,6 tỷ đồng, tăng 5,27% so với cùng kỳ; trong đó có 06 nhóm hàng hóa có doanh thu tăng từ 2,81% đến 44,85% và 06 nhóm có doanh thu giảm từ 8,83% đến 42,69% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn như lương thực, thực phẩm đạt 17.080,9 tỷ đồng, tăng 8,63%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 4.392,2 tỷ đồng, giảm 8,83% và xăng, dầu các loại đạt 4.028,4 tỷ đồng, tăng 44,85% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ khác (trừ ăn uống, lưu trú và lữ hành) tháng 11/2021 ước đạt 453,7 tỷ đồng, bằng 58,59% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ, có 02 nhóm doanh thu tăng là nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 28,6 tỷ đồng, tăng 3,69%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy tính, đồ dùng cá nhân và gia đình đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 6,54%. Các nhóm dịch vụ còn lại đều giảm, giảm nhiều nhất 64,93% là nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí; nhóm giảm ít nhất là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản với 10,73% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu dịch vụ khác (trừ ăn uống, lưu trú và lữ hành) 11 tháng năm 2021 đạt 5.232,3 tỷ đồng, giảm 22,63% so với cùng kỳ; hầu hết doanh thu các nhóm dịch vụ đều giảm từ 2,92% đến 46,37%, giảm nhiều nhất 46,37% là nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo, nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ có mức giảm thấp nhất 2,92%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2021 ước đạt 441 tỷ đồng, bằng 47,37% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 14,6 tỷ đồng, bằng 9,61%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 426,4 tỷ đồng, bằng 54,74% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú đạt hơn 49 nghìn lượt khách, bằng 11,78% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2021 đạt 4.569,4 tỷ đồng, bằng 57,95% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 561,9 tỷ đồng, bằng 52,71%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 4.007,5 tỷ đồng, bằng 58,77% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú đạt hơn 1.641 nghìn lượt khách, bằng 50,83% so với cùng kỳ.

6.2. Giá cả thị trường

6.2.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,11% so với cùng kỳ và tăng 2,05% so với tháng 12 năm trước; bình quân 11 tháng đầu năm 2021 tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến CPI tháng này tăng là do hầu hết các hoạt động kinh doanh dần ổn định sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã dần ổn định; thông thương giữa các vùng, mở cửa trở lại sau nhiều tháng thực hiện phong tỏa, giãn cách phòng, chống dịch; vì vậy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên, tuy nhiên giá nhiên liệu liên tục tăng đã tác động làm tăng chi phí vận chuyển hàng hoá; nguồn vật tư, nguyên liệu dùng cho sản xuất khan hiếm và do ảnh hưởng của dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên một số mặt hàng thiếu hụt khiến giá cả tăng cao. Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng vào ngày 26/10/2021 và ngày 10/11/2021 làm nhóm nhiên liệu tăng 8,64%, nhóm dầu hỏa tăng 7,27%; giá gas trong nước điều chỉnh tăng 17.000 đồng/bình 12kg, tác động làm nhóm này tăng 3,78% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng so với tháng trước, có 10 nhóm chỉ số giá tăng từ 0,09% đến 3,36%; trong đó, nhóm giáo dục có mức tăng thấp nhất là 0,09% và nhóm có mức tăng cao nhất 3,36% là nhóm giao thông. Riêng nhóm bưu chính viễn thông ổn định so với tháng trước.

6.2.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng thế giới tăng trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Mỹ giảm và dầu liên tục tăng giá. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ đang tăng tốc có thể kéo theo đà tăng kinh tế toàn cầu, điều này đồng nghĩa lạm phát tại quốc gia này ngày càng nóng lên; áp lực lạm phát gia tăng, giúp thị trường thu hút thêm lực cầu mới đối với kim loại quý, các nhà đầu tư mua vàng để phòng ngừa rủi ro, tăng nhu cầu trú ẩn vào vàng để bảo toàn vốn. Giá vàng trên địa bàn tỉnh bình quân dao động quanh mức 5.885.000 đồng/chỉ, tăng 2,79% so với tháng trước, tăng 4,25% so với cùng kỳ và bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 12,59%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tăng mạnh ở châu Âu và kỳ vọng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn ở những khu vực khác, đặc biệt là ở Mỹ, các nhà đầu tư tìm đến đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn. Tỷ giá USD trên địa bàn tỉnh dao động quanh mức 23.375 đồng/USD, tăng 0,87% so với tháng trước, tăng 0,46% và bình quân 11 tháng năm 2021 bằng 98,87% so với cùng kỳ.

6.3. Hoạt động vận tải

Lĩnh vực vận tải trên địa bàn có nhiều tín hiệu khả quan. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đã được khôi phục trở lại, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng ngày càng tăng đã tác động đến tâm lý nhân dân trong việc sử dụng phương tiện công cộng để đi lại, vì vậy tốc độ tăng trưởng ngành vận tải tăng chậm. Dự kiến vào các tháng cuối năm khi độ bao phủ Vắc xin dự kiến tăng cao, đảm bảo khả năng miễn dịch cộng đồng thì hoạt động vận tải hành khách sẽ phát triển nhanh chóng.

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 11/2021 đạt 240,5 tỷ đồng, giảm 28,77% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 213,2 tỷ đồng, giảm 29,14%; doanh thu kho bãi và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 27,3 tỷ đồng, giảm 25,75% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải lũy kế 11 tháng năm 2021 đạt 2.870,8 tỷ đồng, giảm 15,89% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.550,9 tỷ đồng, giảm 12,4%; doanh thu kho bãi và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 319,7 tỷ đồng, bằng 63,83% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 11/2021 ước đạt 30,4 tỷ đồng, bằng 25,32%; khối lượng vận chuyển đạt 969,5 nghìn hành khách, bằng 32,8% và luân chuyển đạt 48,9 triệu hành khách.km, bằng 18,33% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hành khách 11 tháng năm 2021 ước đạt 744,7 tỷ đồng, bằng 63,3%; khối lượng vận chuyển đạt 17.684,4 nghìn hành khách, bằng 63,33% và luân chuyển đạt 1.802,1 triệu hành khách.km, bằng 64,21% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hàng hoá tháng 11/2021 ước đạt 182,8 tỷ đồng, tăng 1,07%; khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1.191 nghìn tấn, tăng 8,74% và luân chuyển đạt 141,1 triệu tấn.km, giảm 10,88% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá 11 tháng năm 2021 đạt 1.806,3 tỷ đồng, tăng 4,07%; khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 17.345 nghìn tấn, tăng 52,01% và luân chuyển đạt 1.450,9 triệu tấn.km, giảm 3,1% so với cùng kỳ.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Văn hóa - nghệ thuật và tuyên truyền

Công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở với các hình thức tuyên truyền lưu động và cổ động trực quan, treo dựng các pano, băng rôn, cờ phướn với các chủ đề: Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Tuyên truyền kỷ niệm 104 năm Cách mạng tháng Mười Nga (07/11/1917-07/11/2021); Tuyên truyền kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2021); Tuyên truyền Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021); Truyên truyền 76 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945-23/11/2021); Tuyên truyền kỷ niệm 201 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820-28/11/2021); tuyên truyền Chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X nhiệm kỳ 2021 – 2026; tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, chủ quyền biển đảo Việt Nam; tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình nhân ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ (25/11) và tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2021.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức treo Pano 615,36 m2. Xây dựng kế hoạch, nội dung, kịch bản, Phối hợp với Đài Phát thanh, Truyền hình Lâm Đồng; Báo Lâm Đồng; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các Huyện Di Linh - Đơn Dương thực hiện các nội dung kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2021; khảo sát thực tế tại Huyện Đơn Dương để triển khai tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ V, kết hợp tổ chức Lễ khánh thành “Làng văn hóa Chu ru” tại xã P’Ró Huyện Đơn Dương. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng thực hiện 03 tài liệu tuyên truyền xe loa, 15,72 m2 pano, tuyên truyền qua loa phóng thanh và xe loa phát tại địa phương các nội dung tuyên truyền “thông điệp 5T” của Bộ Y tế, Chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022.

7.2. Hoạt động bảo tàng, thư viện và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Hoạt động Bảo tàng trong tháng có mở cửa đón khách nhưng không có khách đến tham quan do dịch bệnh Covi-19, triển lãm chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945-23/11/2021). Thư viện tỉnh cấp 22 thẻ bạn đọc (19 thẻ người lớn, 03 thẻ thiếu nhi). Xử lý kỹ thuật nghiệp vụ 1.850 bản sách biếu tặng, nâng tổng số tài liệu hiện có của thư viện lên 284.397 tài liệu.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực tế. Các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cơ bản kịp thời và đem lại hiệu quả cao. Lồng ghép triển khai nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện nhiệm vụ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đăng ký thi đua xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa”, đôn đốc các địa phương, cơ sở hoàn thiện, duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

7.3. Hoạt động thể dục - thể thao

Trong tháng 11 năm 2021, đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tạm dừng hoạt động triển lãm và tổ chức các sự kiện, lễ hội, không tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2021, cũng như các hoạt động thể dục thể thao do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thể thao thành tích cao: Sau một thời gian dài các hoạt động thể thao quốc gia phải tạm dừng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, từ ngày 18 đến 28/11/2021 Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức giải Vô địch trẻ Cờ vua quốc gia năm 2021 tại thành phố Hồ Chí Minh với hình thức thi đấu trực tuyến. Đoàn thể thao Lâm Đồng tham gia với 19 vận động viên. Từ đầu năm đến nay tổng số huy chương đạt được là 31 huy chương (12 huy chương vàng, 06 huy chương bạc, 13 huy chương đồng).

7.4. Hoạt động giáo dục - đào tạo[8]

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 689 đơn vị trường học (Mầm non: 231, Tiểu học: 229, THCS: 157, THPT: 59, GDTX tỉnh: 01, GDNN-GDTX: 11, CĐSP:01), giảm 17 trường; số học sinh: 365.406 học sinh (Mầm non: 69.065, Tiểu học: 144.453, THCS: 98.970, THPT: 50.993, GDTX và GDNN-GDTX: 1.365, CĐSP: 560); Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 22.118 người.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai các phương án dạy học năm học 2021-2022 theo 3 phương án là dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và dạy học trực tiếp tùy theo ảnh hưởng dịch Covid-19 ở mức độ nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao để đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19.

7.5. Hoạt động y tế

Trong tháng 11 năm 2021, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống cúm A (H1N1), (H5N1), dịch Covid - 19... Trên địa bàn tỉnh không xảy ra bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt rét, sốt xuất huyết và ngộ độc thực phẩm.

Tính đến ngày 19/11/2021 trên địa bàn tỉnh đã có 1.620 ca dương tính với dịch bệnh Covid-19; trong đó, ra viện 531 ca (khỏi bệnh), có 05 trường hợp chết. Hiện tỉnh Lâm Đồng đang cách ly 13.278 trường hợp phòng dịch Covid-19; trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 1.083 người, cách ly tập trung 4.516 người và cách ly tại nhà 7.679 người. Ngày 16/11/2021 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản 8301/UBND-VX3 về việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân Covid-19 (đối tượng F1 đủ điều kiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, kể cả các trường hợp F1 đang cách ly tập trung), bắt đầu từ 0 giờ 00 ngày 18/11/2021. Theo đó, ngày 17/11/2021 Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 3371/SYT-NVY về việc hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp tiếp xúc gần (F1) tại nhà và việc thành lập Trạm Y tế lưu động.

Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 toàn tỉnh cho dân số 18 tuổi trở lên đạt 98,6% so với tổng số dân từ 18 tuổi trở lên. Tổng số mũi đã tiêm 1.599.691/1.861.346 trên tổng số vắc xin nhận của Bộ Y tế, đạt tỷ lệ 98,5%.

Công tác phòng bệnh từ đầu tháng đến nay: Khám phát hiện 43 trường hợp mắc sốt xuất huyết; bệnh phong toàn tỉnh quản lý 136 bệnh nhân; bệnh lao phát hiện 30 trường hợp; đang quản lý và khám bệnh cho 449 bệnh nhân lao. Phát hiện thêm 14 trường hợp nhiễm HIV mới đưa vào quản lý (tích luỹ: 1.757 trường hợp); có 01 trường hợp AIDS mới (tích luỹ: 289 trường hợp) và có 03 trường hợp tử vong do AIDS (tích luỹ: 599 trường hợp).

Công tác tiêm chủng mở rộng: Từ đầu năm đến nay đã tiêm chủng đầy đủ cho trên 17.421 trẻ; tiêm viêm gan B trước 24 giờ cho 14.572 trẻ sơ sinh; tiêm phòng uốn ván 2+ cho trên 14.980 phụ nữ có thai. Tổ chức tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho hơn 18.104 trẻ em 18 tháng tuổi; tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) mũi 4 đạt 18.171 trẻ 18 tháng tuổi; tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 13 tháng tuổi mũi 1: 17.854 trẻ; mũi 2: 17.609 trẻ và mũi 3: 17.292 trẻ.

7.6. Tình hình an toàn giao thông

Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/10/2021 đến ngày 14/11/2021 xảy ra 16 vụ làm 09 người chết, và 13 người bị thương (giảm 10 vụ, 09 người chết và 04 người bị thương so với cùng kỳ). Tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/11/2021 xảy ra 112 vụ (giảm 25 người); 68 người chết (giảm 13 người); 74 người bị thương (giảm 15 người so với cùng kỳ).

Trong tháng 11/2021, đăng ký mới cho 683 xe ôtô và 5.102 xe môtô. Tổng số phương tiện đến nay đang quản lý là 79.574 xe ôtô, 1.135.846 xe môtô và 103 phương tiện đường thủy. Trong tháng, lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện, xử lý 3.731 trường hợp vi phạm luật giao thông; tổng số tiền xử phạt là 2,6 tỷ đồng; tước 93 giấy phép lái xe; tạm giữ 11 ô tô, 185 mô tô; trong đó có 09 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, lập biên bản xử phạt 106 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch, thu phạt 467,5 triệu đồng.

7.7. Tình hình cháy, nổ và vi phạm môi trường

Trong tháng 11 năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ cháy, làm 03 người bị thương, giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 4,1 tỷ đồng.

Về vi phạm môi trường: Trong tháng 11 năm 2021 UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định “Xử phạt vi phạm hành chính” và yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với 03 vụ vi phạm môi trường với tổng số tiền 733 triệu đồng.

7.8. Tình hình thiệt hại do thiên tai

Trong tháng thiên tai không gây thiệt hại về người. Từ ngày 19/10/2021 đến 18/11/2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 02 vụ sét đánh và 01 vụ sạt lở gây thiệt hại về tài sản khoảng 1,16 tỷ đồng.

Trong 11 tháng đầu năm nay thiệt hại do thiên tai về tài sản gồm: nhà sập và bị cuốn trôi 5 căn, tốc mái hư hại 166 căn, diện tích hoa màu và cây lâu năm bị hư hại 972,3 ha; thiệt hại về người: 01 người bị thương và sét đánh chết 01 người. Ước tổng thiệt hại về tài sản gần 39,2 tỷ đồng.

7.9. Tình hình hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19

Kết quả tổng hợp đã chi tiền mặt hỗ trợ tính đến ngày 17/11/2021 từ ngân sách Trung ương và địa phương cho 104.978 đối tượng (bao gồm cá nhân và hộ nghèo, hộ cận nghèo), với tổng số tiền là 157.467 triệu đồng. Cụ thể: Người có công gặp khó khăn là 2.520 người, với số tiền 3.780 triệu đồng; đối tượng Bảo trợ xã hội là 32.393 người, với số tiền 48.589,5 triệu đồng; đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 13.451 hộ, với số tiền 20.176,5 triệu đồng; đối tượng lao động tự do (trừ người bán vé số lưu động) là 39.508 người, với số tiền 59.262 triệu đồng; đối tượng người bán vé số lưu động là 1.851 người, với số tiền 2.776,5 triệu đồng; đối tượng người lao động Lâm Đồng hiện đang làm việc ở các tỉnh, thành phố (chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...) thực sự gặp khó khăn do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh (1.500.000 đồng/người) là 15.255 người, với số tiền 22.882,5 triệu đồng./.

[1] Huyện Di Linh xuất hiện bệnh từ ngày 21/8 đến 27/8/2021 làm 70 con bò mắc bệnh/20 hộ/01 thôn/01 xã (xã Liên Đầm); huyện Đạ Huoai xuất hiện từ ngày 26/7 đến 05/11/2021 đã có 409 con mắc bệnh/184 hộ/26 thôn, TDP/07 xã, thị trấn, tiêu hủy 36 con (24 bê, 12 bò)/4.792 kg; huyện Đạ Tẻh xuất hiện từ ngày 16/8 đến 08/11/2021 đã có 317 con bò mắc bệnh/200 hộ/51 thôn/9 xã, thị trấn của huyện, tiêu hủy 56 con (47 con bê, 09 con bò)/7.839 kg; huyện Cát Tiên xuất hiện từ ngày 11/8 đến 08/11/2021 đã có 1.264 con bò mắc bệnh/800 hộ/50 thôn/9 xã, thị trấn của huyện, tiêu huỷ là 173 con (135 con bê, 38 con bò)/19.835 kg.

[2]. Trong đó đàn bò sữa 24.475 con, tăng 9,43% so với cùng kỳ năm trước.

[3] Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng.

[4] Nguồn: Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng

[5] Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

[6] Ngày 9/9/2021 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

[7] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng

[8] Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.


Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng

    Tổng số lượt xem: 412
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)