(MPI) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 21/4/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo về công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được những kết quả tích cực
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày Báo cáo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, giai đoạn 2016-2020, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương đã có những bước chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Bộ máy quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp đã được kiện toàn và có tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Công tác lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có tầm nhìn trung hạn gắn giữa kế hoạch 5 năm và kế hoạch hằng năm; Bước đầu tăng cường cơ chế phân cấp trong huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo sự chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực, quản lý các mục tiêu gắn liền với nguồn lực huy động được.
Hệ thống thông tin giám sát, theo dõi và đánh giá đã được thiết lập tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là tăng cường giám sát của hệ thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và người dân; Công tác truyền thông, thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được chú trọng đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như công tác huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt. Phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm. Tỷ lệ các công trình giao cấp xã làm chủ đầu tư mới đạt khoảng trên 60% và chủ yếu phân cấp đối với công trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp huyện, cấp xã còn yếu. Trong xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tình trạng chậm tiến độ; thiết kế chính sách đặc thù hỗ trợ công tác giảm nghèo chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương.
Cụ thể hóa yêu cầu về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy mạnh việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án để đầu tư thực hiện công trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu, nội dung và được thực hiện trên cùng một địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Áp dụng cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp với quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn trong lập, thẩm định, quyết định dự án, lựa chọn nhà thầu thi công công trình và quản lý thi công, bảo trì công trình đối với dự án đầu tư xây dựng có sự tham gia thực hiện của cộng đồng.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần vốn cho các đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia. Phương thức hỗ trợ của nhà nước là hỗ trợ có điều kiện, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, người dân, các tổ chức cùng tham gia, cùng chia sẻ trách nhiệm, hướng tới phát triển kinh tế bền vững, xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”.
Nâng cao năng lực tổ chức quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng nội dung nâng cao năng lực quản lý và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán từng dân tộc, vùng miền và gắn với nâng cao kỹ năng tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả đầu ra. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trong tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, từ những định hướng trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 nêu trên, trong năm 2022, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và nông thôn mới.
Thứ hai, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ ba, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; các địa phương khẩn trương trình Hội đồng nhân dân phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án, dự án có liên quan.
Thứ năm, triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ sáu, tổ chức quán triệt, thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư