Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở Frankfurt (Đức) ngày 7/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)
Những tác động từ xung đột tại Ukraine đến kinh tế toàn cầu, trong đó có việc lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên, đang là mối quan tâm chính của các quan chức lĩnh vực tài chính toàn cầu.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Pierre-Olivier Gourinchas, trong phát biểu ngày 19/4 đã khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế những tác động do lạm phát tăng mạnh đối với các gia đình nghèo thông qua việc hỗ trợ tạm thời và hướng tới các đối tượng cụ thể.
Ông Gourinchas nói người dân ở một số nước đã biểu tình do giá thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu tăng rất nhanh. Các chính phủ có thể giảm nhẹ tác động từ việc giá cả tăng bằng các giải pháp hỗ trợ bộ phận dân số dễ bị tổn thương, trong đó có các giải pháp như chiết khấu hóa đơn dịch vụ thiết yếu hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo.
Trước đó, cũng trong cùng ngày, ông Gourinchas đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, trong đó đánh giá rủi ro chính là lạm phát tăng càng đáng lo ngại hơn do xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng.
Những tác động từ xung đột tại Ukraine đến kinh tế toàn cầu, trong đó có việc lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên, đang là mối quan tâm chính của các quan chức lĩnh vực tài chính toàn cầu, những người đã tham dự các hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới.
Theo ông Gourinchas, các giải pháp cần bao gồm trợ giá năng lượng như một giải pháp tạm thời, đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch để không làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước trong thời gian quá dài.
Khuyến nghị mà ông Gourinchas đưa ra trái với quan điểm thường thấy của IMF, khi thiết chế này phản đối và yêu cầu các nước dỡ bỏ trợ giá, thắt chặt chi tiêu để được hỗ trợ tài chính.
Theo ông Gourinchas, một số quốc gia thu nhập thấp với nguồn lực tài chính rất hạn chế và mức nợ cao cần sự trợ giúp từ bên ngoài. IMF và các tổ chức khác đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực, hỗ trợ và cung cấp lương thực cho các nước bị ảnh hưởng./.