(MPI) - Tại phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức chiều ngày 27/4/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày báo cáo về các vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn điều hành phiên giải trình. Cùng dự phiên giải trình có các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, cải cách thể chế về đầu tư công được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2014 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công; tăng cường công tác quản lý đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản,... Phương thức phân bổ kế hoạch đầu tư công đã có bước đổi mới căn bản, theo đó, việc phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng cường chủ động, tự chủ của các cấp, từng ngành.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập, tồn tại, hạn chế và xuất phát từ những tồn tại, bất cập cũng như trên cơ sở thực hiện chủ trương của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại đầu tư công tại Nghị quyết số 24/2016/QH14, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 với nhiều điểm tích cực, trong đó đáng chú ý nhất là toàn bộ công tác giao kế hoạch vốn, điều chuyển kế hoạch vốn chi tiết cho từng dự án đã được phân cấp cụ thể gắn với trách nhiệm trong từng khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, xây dựng, triển khai thực hiện dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt, cụ thể, giải pháp được ban hành kịp thời. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo đồng bộ quyết liệt, hiệu quả. Kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công được tăng cường, đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Hiệu quả hoạt động đầu tư công được nâng lên gắn với quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đầu tư công đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhiều công trình, dự án quan trọng có quy mô được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Cơ cấu đầu tư công dịch chuyển sang các ngành gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế như phát triển hạ tầng giao thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế và trợ giúp xã hội, khắc phục thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, góp phần bảo đảm công khai, minh mạch trong đầu tư công. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư được tăng cường, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời về tình hình triển khai và kết quả thực hiện các chương trình, dự án. Nhờ đó, cơ quan quản lý Nhà nước nắm được cụ thể diễn biến của quá trình đầu tư và có các quyết định xử lý kịp thời, phù hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện chương trình dự án đúng tiến độ, đúng yêu cầu chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư; Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổng hợp, lập, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn ché như một số quy định về quản lý đầu tư công của Việt Nam còn hạn chế, tồn tại tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án; tình trạng chậm phân bổ chi tiết đến dự án và chậm giải ngân kéo dài nhiều năm chưa có nhiều chuyển biến; chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công chưa tốt.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, để giải ngân 100% kế hoạch được Quốc hội quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần có giải pháp quyết liệt để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn,... chịutrách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.
Thứ hai, thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm tại các bộ, ngành và địa phương để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như: kiểm soát chi ngân sách nhà nước, hồ sơ thẩm định dự án, đơn rút vốn nhà tài trợ nước ngoài,...
Thứ tư, kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Tăng cường giám sát của các cơ quan chuyên trách và nâng cao khả năng tham gia của cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực chất lượng cao về quản lý đầu tư công góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ năm, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định pháp luật về đầu tư công và các pháp luật có liên quan theo hướng đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư