(MPI) - Ngày 04/5/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá". Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Tọa đàm.
|
Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: chinhphu.vn |
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm và chuyên gia kinh tế PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; trong đó đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2021-2025 hoàn thành 2.000 km đường cao tốc.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, dành nhiều nguồn lực, thời gian, công sức, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Cùng với nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu trên, Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng cũng đang tích cực được triển khai đầu tư.
Theo Kế hoạch Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư ngay tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV trong tháng 5/2022. Tọa đàm sẽ làm rõ hơn về các cơ chế để tạo đột phá cho các địa phương và doanh nghiệp khi tham gia thực hiện triển khai các dự án trên. Vai trò huyết mạch của Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đối với sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: chinhphu.vn |
Chia sẻ tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một. Công tác giải phóng mặt bằng là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp…
Chính vì vậy, khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 2 dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 thành phố Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt quan tâm. Trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng thời điểm hiện nay đã chín muồi để triển khai hai dự án này, nó mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định.
Cụ thể hóa ở đây, khi xây dựng dự án, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược, đều cho thấy phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Trên thực tế, như ban đầu đề cập đến, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành hai tuyến đường Vành đai số 3 thành phố Hồ Chí Minh và số 4 thành phố Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn trước 2011-2020, chúng ta không có điều kiện làm được điều này do khó khăn. Đến nay, chúng ta cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ đưa ra một số cơ chế chính sách thuộc các nhóm vấn đề: phân cấp phân quyền, cơ chế chỉ định thầu, cơ chế nguồn vật liệu. Đây là ba điểm nghẽn trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng dự án. Chính vì thế, ba nhóm cơ chế này được Chính phủ trình Quốc hội và được Quốc hội cho phép thông qua tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xin phép cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án. Thứ hai, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Xin phép Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu từ sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư