(MPI) – Ngày 18/5/2022, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Tăng cường hợp tác công-tư (PPP) thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, hiện nay những thay đổi về nhân khẩu học, dịch tễ học và xã hội ở Việt Nam đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Đặc biệt, khoảng thời gian đương đầu với đại dịch đã làm bộc lộ nhiều hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, đòi hỏi phải mở rộng và tăng cường mạng lưới chăm sóc sức khỏe.
Để nâng cao chất lượng trong lĩnh vực y tế, phấn đấu đáp ứng nhu cầu về nguồn lực y tế của người dân, việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị là yêu cầu rất quan trọng. Ở nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức PPP để xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế đã đóng góp rất nhiều trong quá trình giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn lực.
Chủ trương, quan điểm của Đảng về cơ chế thu hút nguồn nhân lực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đã được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng Luật PPP, với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới, cũng như tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế.
Từ đó, thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; sử dụng hiệu quả nguồn lực này để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công; tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững trong những giai đoạn tới; tạo tiền đề để triển khai nhiều hơn các dự án PPP trong lĩnh vực an sinh xã hội đặc biệt trong lĩnh vực về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tuy nhiên, công tác triển khai Luật PPP còn gặp nhiều hạn chế. Các dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải. Một số lĩnh vực được quy định nhưng chưa triển khai hoặc áp dụng chưa thành công như nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, hạ tầng khu kinh tế...
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019, tại Việt Nam có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Tuy nhiên, trong những án này, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.
Mặc dù đây là lĩnh vực tiềm năng nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa, là dịp để rà soát lại khung chính sách thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế. Từ đó, nhận diện những cơ hội và các vấn đề thách thức trong việc thực hiện mô hình PPP trong lĩnh vực y tế hiện nay.
Với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng rằng mục tiêu thúc đẩy hợp tác công tư cho một ngành y tế bền vững ở Việt Nam sẽ đạt được những thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành y tế, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
|
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đến từ Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, chuyên gia cao cấp về Y tế của Ngân Hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và đại diện các doanh nghiệp y tế, dược phẩm nước ngoài như AstraZeneca Việt Nam, DKSH Pharma Việt Nam, Bayer Việt Nam, Doctor Anywhere… đã cùng nhau thảo luận về hiện trạng phát triển của ngành y tế, những bài học kinh nghiệm và phân tích những cơ hội thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, những xu hướng phát triển bền vững của ngành y tế hiện nay và trong tương lai, cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, của các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư