Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/05/2022-08:39:00 AM
Kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt trong làn sóng dịch nghiêm trọng nhất
Các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát dịch tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và các công ty nước ngoài tại đây

Ảnh: THX/TTXVN

Thượng Hải, thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, vừa qua đã trở thành tâm điểm của làn sóng dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này.

Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát dịch ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như các công ty nước ngoài hoạt động tại đây. Thượng Hải đang từng bước trở lại nhịp sống bình thường, nhưng nền kinh tế Trung Quốc thì đã "hạ nhiệt" đáng kể.

Thượng Hải từng bước trở lại nhịp sống bình thường

Ngày 16/5, một quan chức thành phố Thượng Hải cho biết trung tâm tài chính và sản xuất của Trung Quốc này đặt mục tiêu từ ngày 1/6 tới trở lại cuộc sống bình thường, sau khi 15 trong số 16 quận của thành phố không còn ca mắc COVID-19 bên ngoài các khu cách ly.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hằng ngày, Phó Thị trưởng Thượng Hải Zong Ming công bố kế hoạch đưa thành phố 25 triệu dân này trở lại cuộc sống bình thường sau hơn 6 tuần áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19.

Từ ngày 16/5, các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc được mở cửa trở lại và từ ngày 1/6, Thượng Hải sẽ khôi phục cuộc sống bình thường. Thành phố cũng có kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa và dịch vụ đường sắt.

Trong một cuộc họp báo ngày 15/5, Phó Thị trưởng Thượng Hải Chen Tong cho biết thành phố này sẽ dần cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Theo đó, các trung tâm mua sắm và tiệm làm tóc sẽ mở cửa lại từ ngày 16/5 sau nhiều tuần đóng cửa. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa và siêu thị sẽ bắt đầu nối lại hoạt động và cho phép khách hàng mua sắm "một cách có trật tự", trong khi các tiệm làm tóc và chợ rau cũng sẽ mở cửa trở lại với sức chứa hạn chế.

Trước đó, hơn 70% doanh nghiệp lớn tại thành phố Thượng Hải đã nối lại hoạt động và phục hồi công suất trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn tại thành phố này.

Theo báo cáo về tình hình phòng chống dịchCOVID-19được chính quyền thành phố Thượng Hải công bố tại họp báo ngày 5/5, các khu công nghiệp tại thành phố cảng quan trọng hàng đầu thế giới đang dần nối lại hoạt động và phục hồi sản xuất. Tỷ lệ phục hồi ở nhóm hơn 660 doanh nghiệp trọng yếu đạt 90%.

Các chuỗi nhà máy sản xuất quan trọng như nhà máy sản xuất ô tô, mạch điện và dược phẩm sinh học tiếp tục khôi phục hoạt động và tăng sản lượng trong khi những doanh nghiệp dẫn đầu duy trì sản lượng ổn định.

Thượng Hải là trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc, nơi có các công ty đa quốc gia và bến cảng hàng hóa bận rộn bậc nhất thế giới. Làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 lan rộng ở Thượng Hải đã khiến thành phố này phải thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt.

Các lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và các biện pháp hạn chế được áp đặt để ngăn dịch COVID-19 lây lan ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, trở thành tâm điểm của làn sóng dịch bệnh mới và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này. Do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống COVID-19, hoạt động kinh tế tại thành phố đã bị hạn chế đáng kể từ đầu tháng Tư, khi chính quyền áp dụng các lệnh phong tỏa từng phần.

Nhiều công ty đã buộc phải ngừng hoạt động một thời gian trước khi khôi phục dần, như Tesla, Volkswagen và nhà lắp ráp iPhone Pegatron.

Những quy định kiểm được cho là nguyên nhân khiến cảng Thượng Hải bị quá tải và phải đối mặt với lượng tàu và hàng hóa ùn tắc chưa từng có, gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong hoạt động giao hàng trên toàn thế giới. Những hình ảnh vệ tinh kỹ thuật số ghi nhận từ đầu tháng Năm tại cảng nằm ở bờ biển phía Đông Trung Quốc này cho thấy lượng lớn tàu đang "mắc kẹt" tại đây.

Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong thời gian phong tỏa, người dân chủ yếu bị giới hạn trong việc mua sắm nhu yếu phẩm, và hoạt động mua sắm bình thường trên các nền tảng trực tuyến phần lớn cũng tạm ngừng.

Nềnkinh tế Trung Quốc"hạ nhiệt"

Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy GDP của nước này trong quý I/2022 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021, đồng thời cảnh báo “những thách thức lớn” phía trước trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 phức tạp đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của nước này.

Kinh tế Trung Quốc tiếp đó đã hạ nhiệt đáng kể trong tháng Tư, khi các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch được mở rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm, gây lo ngại nền kinh tế nước này có thể giảm trong quý 2/2022.

Việc phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần đã được thực hiện tại hàng chục thành phố trong tháng Ba và tháng Tư, trong đó có việc đóng cửa kéo dài tại trung tâm thương mại Thượng Hải, khiến người lao động và người mua sắm phải ở trong nhà và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.

Theo số liệu của NBS, doanh số bán lẻ trong tháng Tư giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Mức giảm này mạnh hơn so với mức giảm 3,5% trong tháng Ba và mức giảm dự báo 6,1%.

Các dịch vụ ăn uống bên ngoài bị dừng tại nhiều tỉnh và doanh số bán ô tô tại Trung Quốc trong tháng Tư giảm 47,6% so với cùng kỳ năm trước, khi các nhà sản xuất cắt giảm sản xuất trong lúc các cửa hàng trưng bày sản phẩm trống không và thiếu linh kiện.

Khi các biện pháp kiểm soát dịch làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và làm tê liệt hoạt động phân phối, sản lượng công nghiệp giảm 2,9% trong tháng Tư, sau khi tăng 5% so với tháng Ba, trong khi được dự báo tăng 0,4%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.

Các biện pháp phong tỏa cũng ảnh hưởng đến thị trường việc làm mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi là ưu tiên để ổn định kinh tế và xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát toàn quốc tăngtừ mức 5,8% lên 6,1% trong tháng Tư, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, khi con số này ở mức 6,2%. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 5,5% trong năm 2022.

Trong khi đó, đầu tư vào tài sản cố định, động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế khi xuất khẩu mất sụt giảm, tăng 6,8% trong bốn tháng đầu năm, so với mức tăng dự kiến là 7%.

Trước đó, những ảnh hưởng do lệnh phong tỏa được áp đặt tại trung tâm tài chính Thượng Hải, trung tâm sản xuất ô tô tại Trường Xuân (thủ phủ của tỉnh Cát Lâm) và các nơi khác đã được chứng minh qua số liệu chính thức đầu tiên của tháng Tư.

Theo các cuộc khảo sát về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn sự lây lan của đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.

Sự căng thẳng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang trở nên rõ ràng, với số liệu PMI cho thấy các nhà cung cấp phải đối mặt với sự chậm trễ lâu nhất trong hơn 2 năm qua trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho khách hàng sản xuất. Lượng thành phẩm tồn kho tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên, trong khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh.

Nhà kinh tế trưởng Zhang Zhiwei tại Pinpoint Asset Management đã dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2 sẽ suy giảm vì các đợt phong tỏa có thể sẽ diễn ra liên tục. Vấn đề quan trọng trong tương lai là chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiện nay như thế nào để giảm thiểu thiệt hại kinh tế./.

Lê Minh
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 1035
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)