Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/05/2022-17:16:00 PM
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
(MPI) - Chiều ngày 24/5/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Quốc hội đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Quochoi.vn

Về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về căn cứ thực tiễn, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Về căn cứ pháp lý, Quốc hội có thẩm quyền ban hành Nghị quyết để thí điểm một số chính sách mới chưa có luật điều chỉnh.

Về các chính sách tương đồng với các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch; đất đai tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện. Cụ thể: Hằng năm ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu NSTW hưởng 100% so với dự toán; Cho phép tỉnh Khánh Hòa được vay không quá 60% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp; Tỉnh được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đề nghị trong tổ chức thực hiện phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; Cần đề cao trách nhiệm, bảo đảm tính chặt chẽ, tránh xảy ra sai phạm liên quan đến đất đai, ảnh hưởng đến người dân và uy tín của các cấp chính quyền; Đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa trên phạm vi toàn quốc, chú trọng diện tích rừng vì đây là một trong các biện pháp để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.

Về một số chính sách mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với quy định về: cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý; Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa; tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công. Điều này nhằm thể chế hóa đúng quy định tại Nghị quyết 09, cho phép Khánh Hòa thí điểm đối với một số dự án, từ đó tạo cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định rõ thời hạn thực hiện tương ứng thời hạn áp dụng thí điểm, bảo đảm đúng với tính chất “thí điểm” như quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và ghi rõ nội dung này trong Điều 6 của Dự thảo Nghị quyết.

Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, Ủy ban , Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí chủ trương có chính sách phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài khơi nhằm phát huy lợi thế đặc thù và đây cũng là định hướng được nêu trong Nghị quyết số 09, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo. Đi đôi với khuyến khích, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với các mức ưu đãi về tiền sử dụng khu vực biển về thuế thu nhập doanh nghiệp như Dự thảo Nghị quyết và đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số chính sách khác nhằm khuyến khích phát triển kinh tế biển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, đất đai; thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1031
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)