Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/05/2022-10:02:00 AM
Triển vọng kinh tế ảm đạm phủ bóng lên Diễn đàn kinh tế thế giới 2022
Kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, với tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ và các nước châu Âu lên mức cao nhất trong thập kỷ.

Một cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diễn đàn Kinh tế Thế giới(WEF) 2022 tại Davos (Thụy Sỹ) diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, với tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ và các nước châu Âu lên mức cao nhất trong thập kỷ.

Đà tăng của giá hàng hóa đã làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, làm lung lay thị trường tài chính thế giới, khiến các ngân hàng trung ương bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất.

Trong khi đó,xung đột Nga-Ukrainecùng với chính sách phong tỏa do dịch COVID-19 tại Trung Quốc càng tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ và thực phẩm.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck lưu ý thế giới đang đối mặt với ít nhất bốn cuộc khủng hoảng đan xen về lạm phát, năng lượng,lương thựcvà khí hậu. Theo ông Habeck, các nước không thể giải quyết vấn đề nếu chỉ tập trung vào một trong những cuộc khủng hoảng.

Trong một cuộc thảo luận của hội đồng WEF, ông Habeck cảnh báo nếu không có vấn đề nào được giải quyết, thế giới sẽ rơi vào suy thoái và tác động mạnh đến sự ổn định toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ hai trong năm nay, do cuộc xung đột tại Ukraine và đà tăng của lạm phát - vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều quốc gia.

Trong phát biểu mới đây, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, cho biết xung đột, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và cú sốc về giá - đặc biệt là đối với thực phẩm, đã “phủ mây đen” lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. Dù cho rằng suy thoái sẽ chưa diễn ra trong thời điểm hiện nay, song bà Georgieva đã không loại trừ nguy cơ này.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, lưu ý tăng trưởng và lạm phát đang đi ngược chiều nhau, khi sức ép từ giá tiêu dùng kìm hãm hoạt động kinh tế và làm suy giảm sức mua của các hộ gia đình. Bà Lagarde cam kết sẽ tăng lãi suất trong cả tháng Bảy và tháng Chín để kìm hãmlạm phát, ngay cả khi chi phí đi vay tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Trong khi lực cản kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine đang được cảm nhận rõ ràng nhất tại châu Âu, kinh tế Mỹ cũng đang phải chịu sức ép lớn về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng vọt từ mức gần 0 cách đây hai năm lên 8,5% trong tháng Ba, mức cao nhất trong 40 năm.

Để kiềm chế lạm phát, đầu tháng này Fed đã tăng lãi suất với mức tăng lớn nhất trong 22 năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đánh đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất tại ít nhất hai cuộc họp tiếp theo./.

Trà My
TTXVN/Vietnam+

  • Tổng số lượt xem: 2377
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)