Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/06/2022-15:59:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự án đường Vành đai 4 và Dự án đường Vành đai 3
(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV,ngày 10/6/2022, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 06/6/2022, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này. Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và gợi ý thảo luận của cơ quan thẩm tra tập trung vào các nội dung, sự phù hợp của các dự án với các quy hoạch, kế hoạch, phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, nhu cầu sử dụng đất và các phương án giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, phân kỳ, tiến độ thực hiện dự án, phương án thu phí để thu hồi vốn, hoàn trả ngân sách trung ương, các cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ đề nghị áp dụng cho dự án.

Nhìn chung, tất cả ý kiến của các đại biểu phát biểu rất sâu sắc, xác đáng, đều đồng tình và nhất trí cao với Tờ trình và báo cáo giải trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư đối với 2 dự án này, nhất là về sự cần thiết, các nội dung cơ bản của dự án. Đồng thời, cũng lưu ý và gợi mở rất nhiều các vấn đề sâu sắc và xác đáng liên quan nhiều đến giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ, phương thức đầu tư, nguồn vốn, tiến độ, khả năng hấp thụ hiệu quả dự án, các vấn đề về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với việc tăng công suất khai thác các vật liệu thi công...

Về tính cấp thiết và cần thiết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vai trò, vị trí quan trọng của 2 dự án này đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm hết sức quan trọng của nước ta, đóng góp rất lớn đối với cả đất nước nhưng hiện nay cũng đang chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian của đô thị cũng như về hạ tầng giao thông. Đồng thời cũng nêu vấn đề lớn nhất hiện nay của hai thành phố là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Do vậy, nếu không giải quyết tập trung, giải quyết nhanh sẽ cản trở sự phát triển.

Hiện nay, các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết 13-NQ-TW ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa đất nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 đều coi hạ tầng là một trong 3 chiến lược đột phá về mặt chiến lược trong thời gian vừa qua. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị, đặc biệt khi Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ, đồng loạt rất nhiều dự án giao thông quan trọng, mở ra phát triển trong thời gian tới..

Mục đích của các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải đảm bảo được tính kết nối vùng, liên kết vùng như rất nhiều đại biểu đã nêu, giảm ùn tắc, cũng như ô nhiễm; mở rộng được không gian phát triển cho 2 thành phố lớn và cho cả vùng; nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển giai đoạn tới. Chúng ta không phải chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các nội dung về giải phóng mặt bằng; quy mô dự án; hình thức đầu tư; suất đầu tư; nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn. Về giải phóng mặt bằng, cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao, không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức đầu tư, không làm xáo trộn tạo sự ổn định đối với người dân. Đồng thời lưu ý, chính sách đền bù ở vùng giáp ranh thì cần phải có hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, phải quản lý chặt chẽ để mà không có sự tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Về quy mô dự án, đối với dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, quy mô quy hoạch là 6 làn xe và dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh quy mô là 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của giai đoạn 1. Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng làm rõ, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán đến các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành, đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông.

Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó đã chuyển sang đầu tư công.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết, cấp bách đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 2 dự án rất quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển đô thị hóa, góp phần mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực đô thị, giảm áp lực giao thông cho nội đô và các tuyến đường hiện hữu, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về tính cấp bách của các dự án.

Các đại biểu cũng tham gia thêm nhiều ý kiến về các nội dung, cụ thể như có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi và quy mô dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, phần đường sắt, các nút giao cắt, làn đường dừng khẩn cấp, mặt cắt ngang và dải phân cách hợp lý. Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ thêm lý do dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh lưu lượng xe lớn nhưng không đầu tư và đánh giá hiệu quả của các hình thức khai thác nguồn lực, quỹ đất của các khu vực có liên quan đến giá trị địa tô tăng thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3716
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)