Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/06/2022-15:40:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng họp với các đơn vị về xây dựng Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, 13-NQ/TW và xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, 53-NQ/TW
(MPI) - Sáng ngày 15/6/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ về báo cáo tổng kết Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị đối với vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Nghị quyết 13-NQ/TW đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh: MPI

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Duy Đông và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ đã trình bày 04 nội dung nêu trên và cho biết, về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 3548/TTr-BKHĐT ngày 31/5/2022 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động kèm Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ; dự thảo Chương trình hành động và các Phụ lục nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan kèm theo; Góp ý của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và bản tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng ĐBSCL về tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW.

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL; Phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong Vùng và đảm bảo tính khả thi. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong Vùng gắn với công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tự vươn lên của các địa phương trong Vùng.

Về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 3423/TTr-BKHĐT ngày 26/5/2022 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 3652/VPCP-KTTH ngày 11/6/2022 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhập các nhiệm vụ tại kế hoạch 05-KH/TW của Bộ Chính trị; Rà soát, quy định các nhiệm vụ, đề án cụ thể gắn với Vùng; Giải trình rõ hơn về Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng; Quy định các Đề án thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương;…

Về xây dựng các báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW; Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ông Nguyễn Đức Tâm đã trình bày các nội dung chi tiết về kế hoạch, tiến độ triển khai; Nội dung đề cương Báo cáo tổng kết; Cách thức triển khai, phân công nhiệm vụ; Các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu.

Ảnh: MPI

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đơn vị liên quan bám sát nội dung, yêu cầu để xây dựng các Nghị quyết, báo cáo đảm bảo chất lượng, nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu bằng nhiều hình thức khác nhau; tổ chức các cuộc họp, hội thảo để nhận các ý kiến phản biện, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học; nghiên cứu, tham khảo các sản phẩm đã được thông qua;.. vừa làm vừa hoàn thiện để đạt chất lượng tốt nhất.

Việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ và báo cáo tổng kết thực hiện các Nghị quyết trên có ý nghĩa rất quan trọng cho đất nước, cho các vùng và phải coi đây là cơ hội để phát triển cho các vùng này. Quan điểm xây dựng Nghị quyết và xây dựng báo cáo phải bám sát chủ trương, định hướng, bám sát Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó đưa ra các cơ chế chính sách đi kèm, đặc biệt là phân bố không gian, nguồn lực, mục tiêu ưu tiên…các văn bản phải được xây dựng khoa học, công phu, phân tích đánh giá nhiều chiều để phát hiện những điểm nghẽn, tận dụng thời cơ để tìm ra giá trị tối ưu nhất của các vùng để trỗi dậy, bứt phá, tạo động lực phát triển trong thời gian tới.

Đối với việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, số 13-NQ/TW, Bộ trưởng yêu cầu cần bám sát báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Đối với xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ trưởng đề nghị bám sát nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Rà soát, đánh giá đúng đặc điểm của từng vùng, điều kiện vị trí địa lý, kết nối vùng, phân tích đánh giá và có số liệu cụ thể.

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, có đặc trưng, sắc thái văn hóa của nhiều dân tộc hội tụ, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc của các dân tộc. Phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng về chuyển đổi kinh tế, xã hội theo hướng sinh thái; liên kết chặt chẽ với Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đông Nam Bộ; Kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế trong nước, khu vực và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia.

Đối với vùng Đông Nam Bộ, đây là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; Là trung tâm lan tỏa phát triển và kết nối liên vùng với vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với vùng ĐBSCL các hành lang kinh tế, đô thị; định hướng thu hút đầu tư dự án sử dụng năng lượng sạch ở Vùng này.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị góp ý cho khung đề cương và báo cáo nội dung liên quan được giao chủ trì; những vấn đề đặc thù, những vấn đề lớn đặt ra cho các vùng; kế hoạch, tiến độ triển khai; đưa ra kiến nghị để các vùng phát triển nhanh, bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đơn vị, trong quá trình xây dựng phải phát huy tính đổi mới sáng tạo, xây dựng, đánh giá, nhận diện dưới góc độ là cơ quan tham mưu tổng hợp, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững phù hợp với xu thế mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, mục tiêu cam kết tại COP26; phải coi đợt tổng kết các Nghị quyết cũng như việc xây dựng các quy hoạch là cơ hội mới cho phát triển, mang lại giá trị khác biệt, mang lại cơ hội cho địa phương, doanh nghiệp để thu hút nguồn lực, đầu tư./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2011
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)