Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/06/2022-09:00:00 AM
Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030
(MPI) – Ngày 21/6/2022, tại Thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) thời kỳ 2021-2030 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
Ảnh: Chinhphu.vn

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng ĐBCSL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 278/QĐ-TTg ngày 28/02/2022.

Tầm nhìn và mục tiêu quy hoạch là phát triển ĐBCSL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBCSL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Quy hoạch ĐBCSL chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm, để người dân ĐBCSL luôn có nụ cười hạnh phúc.

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thay đổi về tư duy và nhận thức của các cấp từ Trung ương đến địa phương về phát triển Vùng nhanh và bền vững, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, khát vọng vươn lên của cán bộ, nhân dân các địa phương trong vùng.

Nghị quyết đã đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Nhận thức được tầm quan trọng về việc ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoach và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với mục đích thống nhất trong công tác chỉ đạo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vùng ĐBCSL trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBCSL, phù hợp với quy hoạch của Vùng đã được phê duyệt; Phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong vùng ĐBCSL và đảm bảo tính khả thi. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng ĐBCSL gắn với công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, tự vươn lên của các địa phương trong Vùng.

Nội dung Chương trình hành động gồm 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một là, công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hai là, tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Ba là, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Bốn là, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Sáu là, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030; 26 nhiệm vụ, đề án và 07 dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có giao nhiệm vụ các địa phương trong Vùng khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Ảnh: Chinhphu.vn

Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra Triển lãm ảnh “ĐBCSL - Khát vọng phát triển” là hoạt động văn hóa chào mừng Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBCSL thời kỳ 2021-2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Triển lãm giới thiệu những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế, văn hóa xã hội của vùng ĐBCSL; giới thiệu tôn vinh vẻ đẹp của vùng đất và con người khu vực ĐBCSL, khắc họa những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của đồng bào vùng ĐBCSL.

Hội nghị đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 278/QĐ-TTg.

Đại diện 6 ngân hàng phát triển cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch. Ảnh: Chinhphu.vn

Đặc biệt, tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao Hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình, dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện Quy hoạch.

Đây là nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa Quy hoạch vùng và Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL và nhóm 6 ngân hàng phát triển (bao gồm: ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA, WB) thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Lễ trao Hồ sơ Quy hoạch và công bố cam kết tài trợ đã cụ thể hóa bước đầu tiên của quy trình thủ tục, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá về hạ tầng trong Vùng cũng như thể hiện sự cam kết của các nhà tài trợ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 959
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)