(MPI) – Ngày 17/6/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SAIGONTEL) tổ chức Hội nghị Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới, với sự tham dự của các cơ quan, địa phương trong nước và KIND, Cơ quan trực thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả tích cực; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao; lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo đánh giá của Nikkei (Nhật Bản) về chỉ số phục hồi sau đại dịch COVID-19, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 thế giới. Kết quả này là minh chứng cho sự chủ trương, định hướng chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế; sự triển khai quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Những năm vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã, đang có nhiều thay đổi tích cực theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế khi tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 6 đối tác. Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 60 nền kinh tế ở tất cả các trung tâm kinh tế - chính trị hàng đầu thế giới, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.
Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Định hướng thu hút FDI của Việt Nam hiện nay đã chuyển từ “thu hút” vốn FDI, sang “hợp tác” với các nhà ĐTNN trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp; ban hành quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường áp dụng các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Việt Nam ưu tiên hợp tác với các dự án FDI: có công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, chia sẻ hiệu quả phát triển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam.
Những giải pháp này của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực. Theo đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới tăng 20 bậc trong giai đoạn 2016-2020. Tại Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021, Việt Nam cũng đã tăng 15 bậc so với năm 2016. Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới năm 2020.
Để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Tổng số vốn đầu tư mạo hiểm dành riêng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đạt mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trong năm 2021, vượt xa con số 451 triệu USD của năm trước đó. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam công bố gần đây của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Do Ventures cho thấy 03 ngành nổi bật nhất bao gồm Giáo dục, Y tế, và Chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 5,2 lần, 10 lần và 20 lần. Như vậy, có thể thấy rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài dành cho đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp nói riêng.
Năm 2022 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Trước hết, Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nên việc khảo sát, làm các thủ tục đầu tư hay kết nối, lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao NIC phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai một số hoạt động nhằm phát huy các lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong tăng cường năng lực hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực phát triển đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Với hệ thống pháp luật, chính sách về đổi mới sáng tạo đang dần hoàn thiện, Việt Nam khuyến khích đầu tư và hỗ trợ của nước ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Trong suốt chặng đường gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.288 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 79 tỷ USD (chiếm 18,5%).Về thương mại, Hàn Quốc là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, với tổng giá trị kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 78,1 tỷ USD.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn manh, Việt Nam sẵn sàng đón nhận những nguồn đầu tư cho đổi mới sáng tạo từ nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Hàn Quốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư và các địa phương trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
|
Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Saigontel và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) trong các hoạt động thành lập và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo do khối tư nhân đầu tư - Ảnh: VGP |
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam, Hàn Quốc có cơ hội cùng nhau tăng cường hợp tác và góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các ngành, nghề của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư