Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/06/2022-14:00:00 PM
Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ giải pháp trọng tâm điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2022
(MPI) - Sáng ngày 28/6/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ giải pháp trọng tâm điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2022. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ngày 27/6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để lắng nghe tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ngành hàng trong 06 tháng đầu năm 2022; đề xuất, kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.

Nhìn chung, các ngành hàng, doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, qua đó không chỉ phản ánh những vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế, những thiếu hụt nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, lao động, giá xăng dầu tăng cao, sức tiêu thụ phục hồi chậm, những vấn đề về năng lực nội tại, năng suất lao động, khoa học công nghệ, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, năng lực cạnh tranh… Bối cảnh trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của năm 2022.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, yêu cầu cần có các chính sách, giải pháp điều hành mạnh mẽ, quyết liệt, phù hợp với bối cảnh mới để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đề ra.

Về các giải pháp chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần phải có giải pháp hỗ trợ chính sách cụ thể trong ngắn hạn, có khả năng thực hiện được ngay; các giải pháp trong trung và dài hạn để nâng cao tính liên kết, lan tỏa giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, cải thiện năng suất lao động, sức cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế; đảm bảo tính khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Từ các yêu cầu nêu trên, gắn với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề về đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực năm 2022 của cả nước và địa phương; phân tích, làm rõ những khó khăn, hạn chế, thách thức chủ yếu của ngành, lĩnh vực và địa phương trong 6 tháng đầu năm; Tình hình triển khai các giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, bao gồm cả nguyên nhân từ tình hình thế giới, khu vực, các nguyên nhân chủ quan do đặc điểm nội tại của ngành, lĩnh vực, quy định pháp luật, công tác quản lý, điều hành...

Dự báo, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và cả cơ hội từ tình hình thế giới, khu vực trong thời gian tới; phân tích, làm rõ tác động đến việc triển khai thực hiện các kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực của cả nước và địa phương trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng nhấn mạnh đến đề xuất giải pháp điều hành trọng tâm trong 06 tháng cuối năm 2022, bao gồm 02 nhóm chính sách, giải pháp. Thứ nhất, các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể triển khai ngay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định đời sống cho người nông dân, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực; ổn định đời sống người nghèo, người thu nhập thấp ...

Hai là, các giải pháp, chính sách trong trung và dài hạn để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế về năng suất lao động, chuỗi cung ứng, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân đã thông tin một số nét về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, cung cấp bức tranh khái quát những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đại diện các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng đã thông tin, đánh giá về kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022; Các ý kiến nhận định chung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc; nền kinh tế phục hồi nhanh theo lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19. Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường; giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng; rủi ro suy thoái kinh tế ở một số quốc gia; nguy cơ mất ổn định tài chính, tiền tệ, khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực toàn cầu... tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đánh giá về các vấn đề liên quan đến đấu thầu, quy hoạch; kết quả và giải pháp thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công; quy trình, thủ tục đối với các dự án ODA; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề lao động trong một số ngành, nghề…

Từ phân tích bối cảnh trong và ngoài nước cũng như từ các kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục có các giải pháp khả thi, đồng bộ, kịp thời để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế trong thời gian tới, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra và cả giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu tích cực, chất lượng; thể hiện trách nhiệm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, đặc biệt là nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Các ý kiến giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở nhận định từ góc nhìn của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, tổ chức quốc tế để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 5 năm giai đoạn 2021-2025./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1063
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)