(MPI) - Ngày 05/7/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VIII. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và ông Daisuke OKABE, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp.
|
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu. Ảnh: MPI
|
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cuộc họp là dịp để hai bên cùng trao đổi, rà soát và đánh giá các vấn đề sau khi dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất của doanh. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sáng suốt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong công cuộc phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Tăng trưởng kinh tế đạt mức ấn tượng khi GDP quý II/2022 đạt 7,72% và GDP 6 tháng năm 2022 tăng 6,42%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% cho thấy các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất bình thường.
Ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ, sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã giúp Việt Nam có thêm thông tin về khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh, qua đó nhằm giúp hai bên có cơ sở đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật để các chính sách thực sự có hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động không thuận lợi, việc cam kết thực hiện Sáng kiến chung chứng tỏ sự quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
|
Ông Daisuke OKABE, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: MPI |
Ông Daisuke OKABE, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tích cực phục hồi và phát triển trở lại sau đại dịch COVID-19, thể hiện rõ nét qua con số tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2022. Qua đó cảm ơn sự phối hợp của các nhóm công tác và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Sáng kiến chung và hy vọng, danh mục của các nhóm công tác sẽ góp phần vào sự phát triển của Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Tính đến cuộc đánh giá giữa kỳ, 47/80 tiểu hạng mục được thực hiện tốt và đúng tiến độ, 15/80 tiểu hạng mục đang được thực hiện, 6/80 tiểu hạng mục không tiến triển và 12/80 tiểu hạng mục sẽ được triển khai trong thời gian tới. Các nhóm công tác Việt Nam - Nhật Bản đã cùng rà soát các nhóm vấn đề, đánh giá những việc đã làm được và thảo luận các đề xuất của hai phía nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành trong khuôn khổ hoạt động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như tổ chức thực thi.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn VIII nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.
Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VIII gồm 11 nhóm vấn đề: (1) Chế độ công bố và áp dụng án lệ/Chế độ thi hành án dân sự/Chế độ canh tranh; (2) Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp; (3) Môi trường lao động; (4) Luật PPP; (5) Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; (6) Cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; (7) Thúc đẩy và mở rộng nhập khẩu LNG; (8) Các vấn đề liên quan đến Luật đất đai; (9) Ngành công nghiệp hỗ trợ; (10) Thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương, doanh nghiệp; (11) Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao. |
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư