Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/07/2022-08:40:00 AM
Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020
(MPI) - Ngày 09/7/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Trần Duy Đông tham dự Hội nghị.

Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu Chính phủ với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Ảnh chụp Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận, lắng nghe ý kiến tham luận của các Bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học về các kết quả đạt được; các tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của các tồn tại hạn chế khi tổ chức thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27) để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án tham khảo và có các đánh giá toàn diện hơn nhằm tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 6 tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam Bộ là thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và 2 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Long An và Tiền Giang với dân số gần 22 triệu người, chiếm 9,2% diện tích, 35% GRDP, 46,1% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 53 với mục tiêu huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Nguồn: MPI

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng báo cáo công phu, bài bản và nhấn mạnh, để Hội nghị đạt kết quả cao nhất, đề nghị các đại biểu bám sát Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 để đánh giá khách quan, trung thực, thẳng thắn, rõ ràng; Phân tích, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và xác định rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, “cái gì là tự thân để phát triển và cái gì là hỗ trợ của Trung ương và rút ra bài học kinh nghiệm”; tập trung phân tích bối cảnh quốc tế, trong nước, đặc biệt là những yếu tố tác động của Vùng trong tình hình hiện nay. Từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, quan điểm chỉ đạo để phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu tiềm năng, cơ hội nổi trội của vùng so với các vùng khác. Trên cơ sở đó nhận diện một cách thực chất để có giải pháp phù hợp; đánh giá đúng và trúng để có giải pháp phù hợp, tạo ra đột phá, tầm nhìn chiến lược đối với vùng.

Những vấn đề đặt ra tại Hội nghị liên quan đến nhiều Bộ, ngành và trực tiếp liên quan đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nội dung thảo luận có phạm trù rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ tập thể, kinh nghiệm gắn với khoa học thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị. Nguồn: MPI

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương trình bày tham luận, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân Nghị quyết 53 và Kết luận số 27; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Vùng.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương và sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1777
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)