(MPI) - Ngày 15/7/2022 đã diễn ra Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có ông David Cottlieb, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam cùng các chuyên gia kinh tế.
|
Bà Trần Thị Hồng Minh phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế khi các biện pháp phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả, các rào cản về xuất nhập cảnh cũng được dỡ bỏ. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu của cả năm 2022.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang liên tục cải thiện được chỉ số xếp hạng, được đánh giá là nền kinh tế có sự ứng phó, kiểm soát hiệu quả đối với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nhờ đó, Việt Nam đã giảm thiểu được những bất lợi của các đợt dịch đối với nền kinh tế.
Những kết quả đạt được một phần quan trọng là nhờ cách tiếp cận bài bản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ đã duy trì được đà cải cách, tạo không gian cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Đó chính là tư duy hài hòa giữa ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội trên nền tảng cải cách thể chế một cách liền mạch và sâu rộng.
Bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, Chương trình Ô-xtrây-li-a hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam và Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 với chủ đề cải cách và phát triển bền vững nhằm nhấn mạnh hơn một số định hướng cải cách, đổi mới. Trong đó, đối với nội dung trong Báo cáo về năng suất lao động được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng, triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông David Cottlieb cho biết, Chính phủ Ô-xtrây-li-a tiếp tục tăng cường hợp tác mạnh mẽ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên mở rộng hợp tác kinh tế và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác, thương mại. Đồng thời nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a vì tầm nhìn chung của hai nước và khu vực để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế. Mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a được thiết lập trên cơ sở hỗ trợ, kết nối lẫn nhau. Đây là mối quan hệ hợp tác quan trọng và sẽ được tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Ông David Cottlieb cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, số liệu kinh tế - xã hội quý II/2022 đưa ra bức tranh kinh tế tươi sáng; Việt Nam đã mở rộng nền kinh tế, thực hiện thành công các chính sách về công tác phòng chống dịch Covid-19, ổn định tài khóa, kinh tế vĩ mô;… Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và các yếu tố bất định như địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, cạnh tranh thương mại ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển mới.
Thông qua chương trình Aus4Reform, Ô-xtrây-li-a mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế đầy tham vọng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì việc giải quyết các vấn đề thách thức ảnh hưởng đến nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các ngành quan trọng, thực hiện các mô hình kinh tế mới, tăng năng suất lao động, đầu tư hạ tầng; khắc phục những khó khăn về chuỗi cung ứng thông qua tăng cường khả năng chống chịu cho lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hiệu quả các hiệp định đã ký kết;…
Ông David Cottlieb khẳng định, Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ô-xtrây-li-a.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về Báo cáo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững. Các ý kiến đánh giá cao nội dung báo cáo, đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề liên quan đến bối cảnh quốc tế cũng như trong nước; các vấn đề thúc đẩy tăng năng suất lao động thúc đẩy phục hồi xanh. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư