(MPI) - Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (được đổi tên từ Luật Hợp tác xã).
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản về việc thẩm định liên quan đến dự án Luật, bao gồm: Tờ trình số 4961/TTr-BKHĐT ngày 21/7/2022 về dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT); Báo cáo số 4962/BC-BKHĐT ngày 21/7/2022 về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan đến dự án Luật Các TCKTHT; Báo cáo số 4963/BC-BKHĐT ngày 21/7/2022 về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Các TCKTHT.
Theo Tờ trình về Luật Các TCKTHT, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 thay thế Luật HTX năm 2003 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của HTX trên thế giới. Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, Luật HTX đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo đó, Luật TCKTHT được xây dựng nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; tạo điều kiện thuận lợi để các TCKTHT phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất HTX, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, xây dựng hệ sinh thái các TCKTHT mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Quan điểm xây dựng dự án Luật là bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX ở nước ta trong thời gian tới; kế thừa tối đa các quy định của Luật HTX năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giữ vững các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh HTX quốc tế (ICA) đưa ra trong Thế kỷ 21.
Các quy định Luật Các TCKTHT được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các TCKTHT trong bối cảnh mới. Xây dựng một Luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng HTX là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về quá trình xây dựng dự án Luật, Tờ trình nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 134/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức soạn thảo dự án Luật Các TCKTHT theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Luật này được thiết kế gồm 11 Chương, 121 Điều trong đó, bổ sung bãi bỏ 03 Điều, sửa đổi 70 Điều, bổ sung 51 Điều so với Luật HTX năm 2012. Dự thảo Luật đã bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 05 nhóm chính sách tại đề nghị xây dựng dự án Luật đã được thông qua. Một là, nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX. Hai là, nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình TCKTHT, tổ chức đại diện. Ba là, nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển. Bốn là, nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành HTX. Năm là, nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Về chính sách hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với TCKTHT, dự thảo Luật bổ sung một chương riêng quy định về chính sách hỗ trợ đối với TCKTHT trên cơ sở 08 nhóm chính sách hỗ trợ đưa ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; bổ sung, hoàn thiện từ Điều 6 Luật HTX năm 2012, tham khảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định, chính sách khác cỏ liên quan.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Các TCKTHT. Theo đó, Bộ đã tiến hành rà soát 29 bộ luật, luật hiện hành liên quan cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các Luật này.
Qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các quy đinh chung của dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản hiện hành có liên quan, cụ thể: Quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quản lý các tổ chức TCKTHT bình đẳng, dân chủ, không phân biệt về giới tính, địa vị xã hội, chủng tộc, quan điểm chính trị hoặc tôn giáo; các quy định được thiết kế bình đẳng như với các doanh nghiệp trong đăng ký thành lập; phù hợp với tinh thần và quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm môi trường bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan đến dự án Luật Các TCKTHT cũng đưa nêu rõ quy định việc áp dụng của Luật Các tổ chức tín dụng và các Luật khác; về thành viên; về “số định danh cá nhân” thay thế cho giấy tờ pháp lý của cá nhân; về chính sách cho các TCKTHT; kiểm toán đối với các TCKTHT; về tổ hợp tác được kế thừa từ Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác; nguyên tắc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với giao dịch nội bộ của các TCKTHT; Quy định tài sản chung không chia, quỹ chung không chia; về phân loại HTX, liên hiệp HTX;…
Dự án Luật đã được thiết kế với nhiều điểm tiến bộ giống như Luật Doanh nghiệp: cho phép TCKTHT đăng ký bằng nhiều hình thức trực tuyến, gửi qua đường bưu chính hoặc trực tiếp; tổ chức đại hội thành viên bằng trực tuyến; bỏ phiếu biểu quyết điện tử; cho phép tự quyết định con dấu, chữ ký số; giảm tỷ lệ thành viên tham dự để tạo điều kiện tổ chức đại hội thành viên; cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thời giản, cắt giảm thủ tục... đã tạo điều kiện hơn, môi trường pháp lý thông thoáng hơn cho các TCKTHT giống như doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Dự án Luật Các TCKTHT thay thế cho Luật HTX năm 2012, quy định các TCKTHT bao gồm tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX. Để thống nhất và đầy đủ cần sử dụng chung “tổ chức kinh tế hợp tác” thay thế cho “hợp tác xã” trong nội dung các văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Các TCKTHT, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, theo quy định của pháp luật về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quả trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo nội dung, gồm: Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; Dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành; Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục lồng ghép giới và các quy định trong Luật Các TCKTHT. Dự thảo Luật luôn hướng tới mục tiêu mà Luật Bình đẳng giới đã nêu là: “xóa bỏ phân biệt về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Việc thực hiện lồng ghép vần đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật dựa trên cơ sở pháp lý trong nước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Việt Nam cũng đã từng bước xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giới và bình đẳng giới với những yêu cầu pháp lý cụ thể, đồng bộ, thống nhất trong xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư